09/12/2020 09:19
NHIỆT TÌNH HƯỞNG ỨNG
Thời gian qua, việc xây dựng nông thôn mới của xã Nam Thái được sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của chính quyền, đoàn thể, sự đồng lòng hưởng ứng của người dân, trong đó có đồng bào Khmer. Nhận thức đúng đắn về mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng bào Khmer sẵn sàng ủng hộ về vật chất, tiền bạc, sức lực, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Danh Hưởng, ngụ ấp 5 Chùa, xã Nam Thái chia sẻ: “Trước đây, đời sống người dân tộc Khmer còn khó khăn. Khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, chúng tôi nhiệt tình hưởng ứng, đời sống của người dân địa phương không ngừng được nâng cao”.
Nhằm chung tay bảo vệ môi trường, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước chùa Thứ Năm, xã Nam Thái thành lập câu lạc bộ sư sãi và phật tử chùa Thứ Năm tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu với hơn 70 thành viên. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ thường xuyên đến nhà đồng bào phật tử tuyên truyền, vận động tham gia bảo vệ môi trường.
Chư tăng chùa Thứ Năm, ấp 5 Chùa, xã Nam Thái (An Biên) quét dọn vệ sinh khuôn viên chùa.
Thượng tọa Danh Nâng - Phó Chủ tịch kiêm Chánh Thư ký Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, trụ trì chùa Thứ Năm cho biết: “Vào ngày 15 và 30 âm lịch hàng tháng, tôi thường lồng ghép tuyên truyền chính sách, pháp luật gắn với xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới trong chư tăng và đồng bào phật tử, từ đó đồng bào phật tử ý thức và tích cực tham gia”.
Theo đồng chí Huỳnh Văn Thanh - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Thái, nhằm vận động đồng bào Khmer tham gia xây dựng nông thôn mới, vai trò của các vị trụ trì, các vị sư, achar, người có uy tín được Ủy ban nhân dân xã quan tâm.
Nhờ vậy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã dễ dàng tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer. Các vị trụ trì, achar, người có uy tín vận động đồng bào Khmer giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời vận động đồng bào Khmer tích cực, có trách nhiệm, tự nguyện đóng góp nhiều hơn vào quá trình xây dựng nông thôn mới.
“Nam Thái có đông đồng bào Khmer sinh sống. Vì vậy Ủy ban nhân dân xã chú trọng khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công tác XDNMT; nêu cao vai trò của các vị trụ trì, achar, người có uy tín. Nhờ đó nhiều công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới của xã đã hoàn thành”, đồng chí Huỳnh Văn Thanh cho biết.
ĐỜI SỐNG NÂNG LÊN
Đến nay, xã Nam Thái đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Nhiều con đường bê tông được xây dựng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Những căn nhà kiên cố đã thay cho những căn nhà xiêu vẹo.
Ông Danh Diêm, ngụ ấp Bào Láng, xã Nam Thái phấn khởi nói: “Từ khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân nơi đây không ngừng được nâng lên, con em có điều kiện đến trường. Khi kinh tế ổn định, người dân sẵn sàng góp công, góp của cùng chính quyền địa phương xây dựng các công trình công cộng như cầu, đường, trường học”.
Cùng với việc vận động đồng bào Khmer tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xã Nam Thái tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hình thành nên mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào Khmer. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 50 triệu đồng/năm; hộ nghèo còn 130 hộ, chiếm 2,1%, giảm 1,7% so năm 2019; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và điện quốc gia đạt 99%.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Sáng 14-8, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan truyền thông ký kết hợp đồng tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: