26/05/2023 11:01
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Bình Giang là 1 trong 2 xã của tỉnh thuộc khu vực III, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo UBND xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, đa số người dân sống bằng nghề nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đi ghe biển... Tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân không đồng đều; nhiều hộ đồng bào dân tộc không có ruộng đất sản xuất, chủ yếu làm thuê hoặc rời địa phương đi lao động tại các thành phố lớn.
Hệ thống kết cấu hạ tầng còn yếu kém, chưa được đầu tư do nguồn lực hạn chế. Nhiều đường giao thông nông thôn của các ấp hiện còn là đường đất, người dân đi lại khó khăn, không đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa. Địa hình rộng, một số ấp ít dân cư vẫn chưa có điện lưới quốc gia để sử dụng…
Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Bình Giang có sự thay đổi tích cực hơn, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Nhiều công trình cầu, đường, thủy lợi, cống, đập được đầu tư xây dựng, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân. Người dân trong xã được tiếp cận các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục, đời sống nâng lên đáng kể.
Ông Danh Hoàng Hiếu, ngụ ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, cho biết: “Năm 1999, tôi về xã lập nghiệp, nơi đây là vùng đất hoang hóa, trũng phèn, sản xuất lúa không hiệu quả, 1 công chỉ thu hoạch được 1 bao lúa. Người dân nghèo khó, bỏ xứ đi làm ăn xa nhiều lắm. Những năm gần đây, khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh, huyện thực hiện nhiều chương trình, dự án giúp người dân giảm nghèo. Người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, diện mạo nông thôn thay đổi rất nhiều”.
Người dân ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất có thu nhập ổn định nhờ mô hình tôm - lúa. Trong ảnh: Nông dân ấp Giồng Kè chài tôm.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế với xuất phát điểm thấp nên hành trình về đích nông thôn mới của xã Bình Giang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Đến tháng 3-2023, xã chỉ hoàn thành 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới. 7 tiêu chí chưa đạt gồm điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư, hộ nghèo, môi trường.
Theo Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Bình Giang, để hoàn thành mục tiêu đưa xã về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023, huyện ưu tiên bố trí nhiều nguồn vốn, các chương trình an sinh xã hội cho xã như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Tết quân - dân… giúp xã từng bước hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới.
Cùng với đó, xã Bình Giang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm như thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như luân canh tôm - lúa, nuôi tôm càng xanh, sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết sản xuất với doanh nghiệp… Hỗ trợ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chăn nuôi, phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng 14-8, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan truyền thông ký kết hợp đồng tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: