16/01/2021 10:11
CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO
Trước đây, Hòa Chánh là xã khó khăn của huyện U Minh Thượng. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao so mặt bằng chung của huyện, với 854 hộ nghèo, chiếm 26,7% dân số. Để giảm nghèo hiệu quả, đồng chí Phan Quốc Thọ - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã cho biết xã tuyên truyền, tạo quyết tâm vươn lên thoát nghèo trong nhân dân.
Xã hỗ trợ về giống, vốn, tạo “cần câu” cho người dân mưu sinh, nhất là hỗ trợ người dân vay vốn Ngân hành Chính sách xã hội lên đến 59 tỷ đồng. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội được xã quan tâm thực hiện.
Vợ chồng ông Phạm Thành Kiệt, ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Hòa Chánh cắt tỉa cây kiểng trước nhà, tạo mỹ quan, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, hàng trăm hộ dân xã Hòa Chánh vươn lên thoát nghèo, cận nghèo. Gia đình ông Phạm Thành Kiệt, ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Hòa Chánh là hộ vươn lên thoát hộ cận nghèo vào cuối năm 2020. Đầu năm 2021, vui mừng cất được căn nhà tiền chế, kinh phí 110 triệu đồng, ông Kiệt nói: “Không có đất sản xuất, tôi đi làm phụ hồ, vợ tôi bán vé số, các con làm công nhân.
Gia đình tôi cố gắng lao động để vươn lên có cuộc sống ổn định”. Cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, cận nghèo, từ năm 2015 đến nay, xã Hòa Chánh có gần 700 hộ vươn lên thoát nghèo, hiện xã còn 158 hộ nghèo, chiếm 3,79%.
SỨC BẬT TỪ CÂY LÚA - TÔM
Năm 2015, xã Hòa Chánh quy hoạch sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm trên nền đất sản xuất lúa 2 vụ kém hiệu quả. Mô hình tôm - lúa không chỉ giúp giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Năm 2015 toàn xã có 720ha sản xuất mô hình tôm - lúa, đến nay có 1.656ha sản xuất theo mô hình tôm - lúa.
Đồng chí Phan Quốc Thọ cho biết: “Bình quân lợi nhuận từ sản xuất 2 vụ lúa/năm khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha. Sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm có lợi nhuận bình quân 100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 30% so độc canh cây lúa”.
Gia đình anh Huỳnh Văn Nguyện, ngụ ấp Vĩnh Hiệp là một trong những hộ vươn lên khá giả nhờ mô hình tôm - lúa. Anh Nguyện cho biết: “Tôi thực hiện mô hình tôm - lúa trên 3ha, cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm. Do thực hiện mô hình tôm - lúa nên tôi sạ lúa không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu để tạo môi trường tốt phục vụ nuôi tôm. Đất nuôi tôm giúp vụ lúa dù không sử dụng phân, thuốc vẫn trúng mùa”. Chí thú làm ăn giúp anh Nguyện và nhiều hộ dân trong ấp vươn lên có kinh tế ổn định và góp sức xây dựng nông thôn mới.
Vợ chồng anh Huỳnh Văn Nguyện, ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Hòa Chánh thăm vuông tôm của gia đình.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thống - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Vĩnh Hiệp, nhờ xã, huyện đầu tư xây dựng, nạo vét kênh, mương thủy lợi, giao thông nông thôn, giúp việc sản xuất của người dân ngày càng thuận lợi. Đồng chí Thống nói: “Nhờ sản xuất mô hình tôm - lúa hiệu quả, đời sống người dân nâng lên. Hiện nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng, xây dựng nhà tường khang trang, cho con đi học đến nơi đến chốn”.
Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã Hòa Chánh 41 triệu đồng/năm, hiện là 50,5 triệu đồng/năm. Đồng chí Phan Quốc Thọ thông tin: “Xã sẽ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã tôm - lúa sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập người dân và tiếp tục xây dựng, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới”.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Sáng 14-8, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan truyền thông ký kết hợp đồng tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: