18/04/2025 15:30
(KGO) - Giai đoạn 2020-2025 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Kiên Giang, với những cột mốc phát triển đô thị, hạ tầng, kinh tế biển và nông nghiệp bền vững. Trong hành trình ấy, năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, khép lại một nhiệm kỳ bằng những dấu ấn cụ thể, chuẩn bị cho một chặng đường mới đầy khát vọng.
TAM GIÁC VƯƠN KHƠI
Sự kiện Rạch Giá và Phú Quốc cùng lúc được công nhận đô thị loại I được nhắc đến như một cột mốc tiêu biểu của giai đoạn này. Lần đầu tiên một tỉnh có đến hai đô thị loại I trực thuộc, điều này báo hiệu một sự chuyển mình thực sự, một bước ngoặt của quy hoạch, hạ tầng, tầm nhìn và khát vọng. Rạch Giá, với vẻ trầm tĩnh của một đô thị ven biển, vốn là trung tâm hành chính, kinh tế của tỉnh, từng bước đi lên và vào tốp dẫn đầu khu vực về chất lượng hạ tầng, cảnh quan và cả tốc độ đổi mới. Dự án lấn biển được triển khai từ năm 1997 như một trong những “canh bạc lớn” đầu tiên của thành phố. Sau gần 3 thập kỷ, kết quả rõ ràng, một Rạch Giá mở rộng, hiện đại, nhiều lớp dân cư mới đổ về, giao thương tấp nập hơn và một không gian sống được cải thiện theo cách rất riêng.
Còn Phú Quốc - thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam đã bước những bước dài để đi ra thế giới. Với sự kiện Chính phủ chọn đăng cai Tuần lễ cấp cao APEC 2027, hòn đảo từng được gọi là “thiên đường nghỉ dưỡng” nay mang theo sứ mệnh mới, trở thành điểm đến chiến lược. Phú Quốc không đi nhanh nhưng đi từng bước, với quy hoạch bài bản, định hướng rõ ràng cho một đô thị biển xanh, thông minh và bền vững. Những con số về du khách, dự án đầu tư hay tổng thu từ ngành dịch vụ chỉ là phần nổi của một hành trình phát triển đầy nội lực.
Giữa hai đô thị lớn, Hà Tiên âm thầm bứt lên theo cách rất riêng. Thành phố nơi biên giới từng bị coi là vùng trũng của phát triển, giờ đây là đầu mối giao thương, là điểm kết nối giữa đồng bằng sông Cửu Long và tiểu vùng Mekong mở rộng. Việc nâng cấp hệ thống hạ tầng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - Prek Chak, mở rộng các tuyến đường kết nối, cùng sự xuất hiện của các dự án logistics và kho vận… đã tạo một luồng sinh khí mới cho vùng đất nơi cực Tây Nam Tổ quốc. Không chỉ là điểm qua lại biên giới, Hà Tiên giờ còn là điểm đến du lịch mang đậm sắc màu biên mậu với chút cổ kính của đô thị cũ, pha trộn nét hiện đại từ những công trình mới và sinh khí thương mại ngày càng sôi động.
Khi nhìn trên bản đồ, 3 thành phố tạo thành một hình tam giác. Tam giác ấy mang hình hài của ba đô thị, là biểu tượng cho ba hướng phát triển khác nhau nhưng bổ trợ cho nhau: Hành chính - du lịch - biên mậu. Giai đoạn 2020-2025 cũng là giai đoạn mà những ý tưởng từng được cho là mạo hiểm dần chứng minh được tính đúng đắn. Không phải ngẫu nhiên mà các đô thị loại I xuất hiện trong cùng một giai đoạn. Không phải ngẫu nhiên mà một tỉnh không có lợi thế về hạ tầng vẫn có thể bứt lên về tốc độ đô thị hóa. Đằng sau những con số là hàng loạt quyết sách kiên định, sự phối hợp giữa nhiều cấp, ngành và cả sự đồng thuận từ phía người dân.
ĐẶT NỀN MÓNG CHO GIAI ĐOẠN MỚI
Tháng 10-2020, nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh được thông qua với những chỉ tiêu đầy kỳ vọng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 phải đạt hơn 7,24% mỗi năm. Khẩu hiệu “nhiệm kỳ bứt phá” dần hiện diện trên từng tuyến đường, từng công trình. Nhưng đại dịch COVID-19 ập đến, để lại hàng loạt khó khăn. Tăng trưởng chững lại, sản xuất đình trệ, đầu tư chậm, du lịch gần như đóng băng. Những bài toán hóc búa như giải ngân đầu tư công, thiếu hụt hạ tầng, đầu ra nông sản hay biến đổi khí hậu... tưởng chừng làm nhụt chí. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, một tư duy chỉ đạo mới đã được định hình: Không bàn lùi. Các kế hoạch được điều chỉnh theo kịch bản cụ thể, có lộ trình, có kiểm đếm tiến độ, tạo nên sự chuyển mình đáng kể trong nửa sau nhiệm kỳ.
Rạch Giá - trung tâm hành chính, kinh tế của tỉnh, từng bước đi lên và vào tốp dẫn đầu khu vực về chất lượng hạ tầng, cảnh quan và cả tốc độ đổi mới. Trong ảnh: Một góc TP. Rạch Giá nhìn từ trên cao. Ảnh: TÂY HỒ
Cú hích đầu tiên và lớn nhất đến từ đầu tư công. Gần 17.000 tỷ đồng vốn trung hạn và kế hoạch năm 2024 được quyết tâm giải ngân, tạo lực đẩy cho hạ tầng và kéo theo các lĩnh vực khác tăng tốc. Những tuyến đường giao thông, cảng biển hối hả được xây dựng là trục kết nối hàng hóa, du lịch, dịch vụ giữa các vùng. Tỉnh dồn sức, quyết liệt gỡ khó về giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, đơn giá đất, không khí thi công sôi động từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến hải đảo.
Trong giai đoạn này, công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé hoàn thành, trở thành điểm tựa lớn cho hàng chục ngàn hộ dân sản xuất nông nghiệp ổn định, kiểm soát mặn, ngọt, trữ ngọt mùa khô và xả lũ mùa mưa. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là một công trình hạ tầng kỹ thuật bề thế phục vụ cho sự phát triển của cả vùng, cũng là lời giải chiến lược trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thích ứng linh hoạt với vùng ven biển đặc thù của tỉnh. Nông nghiệp tiếp tục là “trụ cột truyền thống” vững vàng với sản lượng lúa vượt 4,7 triệu tấn, tỷ lệ lúa chất lượng cao đạt hơn 90% diện tích. Thủy sản cũng vượt chỉ tiêu, khai thác và nuôi trồng hơn 814.000 tấn. Đáng chú ý hơn là sự chuyển mình về chất. Tỉnh mạnh dạn triển khai những đề án lớn như 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, nuôi biển xa bờ, nông nghiệp hữu cơ, vùng cây ăn trái đặc sản... với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, hình thành chuỗi liên kết giá trị dài hạn.
Du lịch - ngành chịu tổn thương nặng nề nhất do dịch bệnh đã trở lại mạnh mẽ, ghi dấu một năm 2024 với gần 10 triệu lượt du khách, trong đó có gần 1 triệu du khách quốc tế, doanh thu vượt 25.000 tỷ đồng. TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên, Kiên Hải, TP. Rạch Giá… trở thành những điểm đến hút du khách, lan tỏa phát triển dịch vụ đi kèm. Công nghiệp dù không bùng nổ, nhưng đã có chuyển động rõ nét với các cụm công nghiệp mới tại xã Thạnh Lộc (Châu Thành), Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao). Các dự án chế biến nông sản, ứng dụng công nghệ cao dần hình thành. Kim ngạch xuất khẩu cán mốc 1 tỷ USD - một cột mốc không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn thể hiện năng lực sản xuất và mở rộng thị trường của doanh nghiệp địa phương.
An sinh xã hội là điểm sáng suốt nhiệm kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,08%, thu nhập bình quân đầu người đạt 81,84 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu đề ra, phản ánh sự phân phối hợp lý trong tăng trưởng. Những công trình văn hóa như tượng đài Bác Hồ tại Phú Quốc, Khu chứng tích rừng tràm Bang Biện Phú ở Vĩnh Thuận, Đền thờ Anh hùng liệt sĩ lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C ở huyện Giang Thành... vừa mang ý nghĩa tri ân, vừa bồi đắp nền tảng văn hóa tinh thần cho thế hệ hôm nay.
Lãnh đạo tỉnh nhìn nhận, tăng trưởng 3 năm đầu chưa như kỳ vọng, vẫn còn những nút thắt về đầu tư, môi trường, chuyển đổi số, tác động từ biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc để về đích, không chỉ hoàn thành mục tiêu nghị quyết Đại hội XI, mà còn chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới. 3 khâu đột phá và 6 nhiệm vụ trọng tâm được đồng loạt triển khai. Những tuyến giao thông liên vùng như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, Cảng hành khách quốc tế Dương Đông, Cảng thủy nội địa Rạch Giá, cảng biển An Thới, cầu ven biển An Biên... là những mạch máu giao thông được đẩy nhanh tiến độ thi công. Hệ thống điện lưới ra đảo An Sơn, Nam Du sẽ sớm được hoàn thiện, tạo thêm điều kiện cho cư dân biển, đảo phát triển. Các chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát, nâng chất lượng giáo dục, bảo đảm nhà ở cho sinh viên, công nhân... cũng đồng thời được thực hiện. Cải cách hành chính, chuyển đổi số được đặt làm trung tâm phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nhìn lại chặng đường 50 năm, Kiên Giang đã khẳng định vị thế của một tỉnh năng động, sáng tạo và không ngừng vươn lên. Từ những ngày đầu giải phóng (1975-1980), vượt khó trong thời kỳ bao cấp (1980-1990), đến khi khởi động công cuộc đổi mới (1990-2000), bứt phá toàn diện giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa (2000-2020) và vững vàng bước vào thời kỳ tăng tốc, thích ứng (2020-2025), mỗi giai đoạn đều để lại dấu ấn riêng biệt nhưng liên kết trong một hành trình chung: Vươn mình từ một tỉnh biên viễn thành địa phương có tầm nhìn, có nội lực và khát vọng phát triển.
VIỆT TIẾN
Bài 1: Khôi phục sau chiến tranh
Bài 2: Nỗ lực vượt khó và đổi mới
Tổng số lượt truy cập: