18/04/2025 15:27
(KGO) - Dẫu đi qua những tháng năm biến động, Kiên Giang vẫn đứng vững, lặng lẽ chuyển mình bằng những bước đi chắc chắn, kiên trì như chính tính cách của con người nơi đây. Những cánh đồng trổ bông nhiều hơn một vụ, ghe, tàu lại rẽ sóng ra khơi, học trò vùng căn cứ xưa nay không còn mù chữ… Giai đoạn 1990-2000 khép lại bằng một trang sử mới của Kiên Giang: Một vùng đất từng gian khó, nay đã cất cánh nhờ vào tinh thần đổi mới hòa cùng nhịp điệu phát triển của cả nước.
Nhiều người không thể quên được buổi đầu của thập niên 90, thời điểm mà thế giới xoay chuyển chóng mặt. Các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt sụp đổ, Liên Xô tan rã như một cú sốc lớn không chỉ với quốc tế mà cả với lòng tin của nhiều người trong nước. Ở Kiên Giang, cũng có lúc một số người dao động.
Thế nhưng, chính trong những tháng ngày ấy, tiếng gọi của đổi mới từ Trung ương đã thổi vào lòng dân một luồng sinh khí mới. Đảng bộ và chính quyền Kiên Giang khi ấy đã cùng nhau củng cố niềm tin, chấn chỉnh tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, từ đó kiên định thực hiện những nguyên tắc đổi mới một cách sâu sắc và quyết liệt. Chuyển mình trong gian khó, nhưng là một cuộc chuyển mình đúng hướng.
THỨC DẬY TỪ ĐỒNG RUỘNG ĐẾN BIỂN KHƠI
“Ruộng đồng không ngủ”, câu nói ấy có lẽ bắt đầu từ những mùa vụ mới ở Kiên Giang trong giai đoạn này. Nhờ đầu tư mạnh vào thủy lợi và chuyển đổi giống, nhiều địa phương trước đây chỉ trồng lúa một vụ đã nhanh chóng làm quen với lúa 2 vụ, thậm chí 3 vụ ở một số vùng thuận lợi. Tứ giác Long Xuyên, mảnh đất từng trũng nước và cỏ dại nay vươn mình thành vựa lúa lớn của tỉnh. Hòn Đất, Hà Tiên, rồi An Minh - nơi từng chật vật vì không chủ động được nước tưới cũng bật dậy mạnh mẽ, sáng tạo để tăng vụ, mở rộng diện tích canh tác.
Sản lượng lương thực toàn tỉnh vọt lên từ 1,7 triệu tấn năm 1995, chạm mốc 2,235 triệu tấn vào năm 2000 - một con số biết nói, phản ánh rõ nét hiệu quả của chính sách và quyết tâm của nông dân Kiên Giang. Trên nền sản xuất nông nghiệp phát triển, diện mạo nông thôn cũng thay đổi nhanh chóng. Hộ nghèo giảm mạnh, nhà có xe máy không còn là chuyện hiếm, điện lưới quốc gia len lỏi đến tận vùng sâu, vùng xa, đưa ánh sáng về với những xã anh hùng một thời. Ti vi, radio xuất hiện trong từng mái nhà, rút ngắn dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Không chỉ trên đồng ruộng, mà cả ngoài biển khơi Kiên Giang cũng đang sống một thời kỳ trỗi dậy. Cuối thập niên 90, ngư nghiệp trở thành thế mạnh nổi bật. Những con tàu đánh bắt xa bờ lại rẽ sóng ra khơi sau cơn bão số 5 năm 1997 - cơn bão gây biến động dữ dội. Ngay sau bão, cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới, khôi phục sản xuất. Đến cuối năm 1998, hoạt động đánh bắt không chỉ ổn định mà còn khởi sắc hơn trước.
Giai đoạn 1990-2000 khép lại, tạo nền tảng vững chắc để Kiên Giang tự tin tiến vào thế kỷ XXI. Trong ảnh: Cảng cá Tắc Cậu, xã Bình An (Châu Thành) năm 2002. Ảnh: TRỌNG NGHĨA
Tôm lên, nghêu trúng, sò nhiều - từ năm 1998, phong trào nuôi trồng thủy sản dọc theo các vùng ven biển rộ lên như một cơn sóng mới. Dù chưa có quy hoạch bài bản, nông dân vẫn mạnh dạn đào vuông, cải tạo đất, đưa tôm vào nuôi. Có người còn mày mò nuôi nghêu, sò, bước đầu thu lãi khá. Những cơ sở chế biến hải sản thủ công như phơi cá khô, làm mắm, lột ghẹ, hấp tôm khô mọc lên ở khắp nơi, từ Gành Dầu, An Thới (Phú Quốc), đến hòn Sơn Rái, Nam Du (Kiên Hải), Bình An (Kiên Lương). Cùng với đó là làn sóng dân nhập cư, những người từ nơi khác đổ về các đảo tìm kế mưu sinh, góp phần làm nên diện mạo phong phú và nhộn nhịp cho vùng biển, đảo Kiên Giang.
TẠO NỀN VỮNG CHẮC CHO HÀNH TRÌNH DÀI
Dẫu kinh tế khởi sắc, tình hình an ninh chính trị vẫn là thử thách không nhỏ trong giai đoạn này. Các thế lực thù địch lợi dụng sự chuyển mình của thế giới để len lỏi, chống phá. Tuy nhiên, Kiên Giang đã giữ được thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc. Ở tuyến biên giới và biển, đảo, an ninh được giữ ổn định, tạo thành một vành đai vững chắc để phát triển kinh tế.
Một điểm sáng trong bức tranh phát triển ấy là công cuộc chống buôn lậu và giữ gìn trật tự kinh tế. Vụ “trùm buôn lậu” Huỳnh Bỉnh Phước bị xử lý nghiêm khắc là lời tuyên ngôn cho sự nghiêm minh của pháp luật. Nhiều cơ quan, cá nhân liên quan bị xử lý, trong đó có cả những vụ tiêu cực làm ảnh hưởng đạo đức xã hội như khách sạn Thượng Hải, Bồng Lai… Những bước đi đó đã củng cố thêm niềm tin trong nhân dân.
Không thể không nhắc đến một mốc son đáng nhớ, ngày 2-9-1998, thị xã Hà Tiên được thành lập, tách ra từ huyện Hà Tiên cũ, một quyết định mang cả tính hành chính và tính chiến lược, mở đường cho đô thị vùng biên phát triển. Đến năm 2000, huyện Hà Tiên được chính thức đổi tên thành huyện Kiên Lương, như một lời khẳng định về bước chuyển mới, đầy tự tin và bản lĩnh.
Giáo dục trong giai đoạn này cũng đi qua một hành trình đáng kể. Nếu như đầu thập niên 90, tỷ lệ học sinh đỗ đại học còn rất thấp, chất lượng dạy và học chưa cao, thì chỉ sau vài năm, ngành giáo dục Kiên Giang bắt đầu chú trọng việc đánh giá thực chất năng lực học sinh. Các kỳ thi trở thành cột mốc đáng tin cậy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Từ năm 1991 đến 1995, toàn tỉnh xây dựng 1.100 phòng học kiên cố và bán kiên cố, tất cả các xã đều có trường cấp II. Đặc biệt, thành tựu lớn nhất chính là việc xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học toàn tỉnh, một bước tiến dài trong nâng cao dân trí. Khoa học, kỹ thuật cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và các ngành, nghề khác. Máy móc bắt đầu thay dần sức người, mô hình sản xuất mới được thử nghiệm, góp phần thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở một tỉnh còn nhiều khó khăn.
10 năm, một quãng đường không dài, nhưng với Kiên Giang đó là giai đoạn bản lề, là cuộc bứt phá đầu tiên sau những năm dài gian khó. Trong tiếng sóng biển, giữa rừng tràm U Minh Thượng, trên những cánh đồng bát ngát hay các lớp học mới xây là nhịp thở của một Kiên Giang mới kiên cường, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Thời gian đó, dù phải bước qua bao thử thách, nhưng Kiên Giang đã không chùn bước. Và chính những bước đi đầu tiên trong giai đoạn này đã tạo nền tảng vững chắc để tỉnh nhà tự tin tiến vào thế kỷ XXI với dáng hình của một vùng đất đang vươn mình mạnh mẽ.
VIỆT TIẾN
Bài 1: Khôi phục sau chiến tranh
Bài 2: Nỗ lực vượt khó và đổi mới
Tổng số lượt truy cập: