18/04/2025 15:24
(KGO) - Giai đoạn 1980-1990, mốc son đánh dấu hành trình Kiên Giang bước qua thử thách thời hậu chiến, tiến dần vào thời kỳ đổi mới. Giai đoạn này như đoạn phim quay chậm đầy chân thực về thời kỳ mà cả hệ thống chính trị và người dân căng mình chống chọi với bao biến động, từ kinh tế, xã hội đến quốc phòng, an ninh. Và từ trong gian khó ấy, Kiên Giang đã tự mình định hình lại vị trí trên bản đồ phát triển của đất nước.
TỪ TẬP THỂ HÓA NÔNG NGHIỆP ĐẾN “CỞI TRÓI” CƠ CHẾ
Bức tranh đầu những năm 1980 không thể chỉ gói gọn trong những con số. Ấy là thời điểm cả tỉnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, cải tạo nông nghiệp, phát triển sản xuất toàn diện. Từng đoàn cán bộ từ tỉnh đến huyện, rồi từ huyện xuống xã, đi khắp các xóm, ấp vận động nông dân tham gia tập thể hóa. Trên những cánh đồng còn in dấu cày kéo bằng trâu, người dân bắt đầu làm quen với khái niệm “tập đoàn sản xuất”, “hợp tác xã nông nghiệp”. Đến năm 1985, Kiên Giang có đến 3.581 tập đoàn sản xuất và 8 hợp tác xã, đưa 85% số hộ nông dân và gần 80% diện tích đất vào làm ăn tập thể.
Lúc ấy, ai cũng tin rằng hợp tác hóa sẽ đổi thay đời sống. Những mô hình tiêu biểu như hợp tác xã Kinh Tư A (Tân Hiệp) hay tập đoàn Quyết Tiến II (Giồng Riềng) trở thành niềm tự hào, được nhắc tên trên báo, đài. Thế nhưng, niềm tin không đủ giúp người dân no đủ. Từ tư liệu cũ, những dòng ghi chép chân thực: Chỉ có 780 tập đoàn đạt năng suất từ 3,5 - 4 tấn/ha/vụ, một con số khiêm tốn so với kỳ vọng. Khi ấy, ai đó đã thốt lên: “Cái áo quá rộng so với tấm lưng gầy của người nông dân”. Chúng ta quá vội vàng mà quên mất rằng sản xuất tập thể cần được chuẩn bị kỹ về lực lượng và trình độ.
Dẫu thế, không thể phủ nhận quyết tâm của cả hệ thống chính trị khi ấy. Không chỉ nông nghiệp, các ngành công nghiệp bắt đầu hồi sinh sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi chiến tranh biên giới Tây Nam. Nhà máy xi măng Hà Tiên, các lò vôi ở Hòa Điền, các công ty khai thác đá ở Kiên Lương lần lượt khởi động trở lại. Đến năm 1985, toàn tỉnh có 164 cơ sở sản xuất, 41 nhà máy lớn nhỏ, một con số đáng ghi nhận nếu đặt trong bối cảnh chung của cả nước.
Thế nhưng, không chỉ có sản xuất mà thương nghiệp và lưu thông hàng hóa cũng bước vào một giai đoạn đầy trăn trở. Những câu chuyện về “ngăn sông cấm chợ”, hàng hóa khan hiếm và giá chênh lệch giữa trong và ngoài hệ thống hợp tác xã xuất hiện. Chính những bất cập đó khiến tình trạng buôn lậu, đầu cơ phát triển. Vải, bột ngọt, thuốc lá, hàng điện tử từ biên giới Hà Tiên theo đường tiểu ngạch đổ về Rạch Giá rồi tỏa đi khắp nơi. Các trạm kiểm soát liên tục đấu tranh với đối tượng buôn lậu. Ngoài khơi, tàu đánh cá liên tiếp bỏ bến ra đi theo những chuyến vượt biên trái phép, khiến ngành ngư nghiệp thêm phần chao đảo.
Cầu nổi Tô Châu (Hà Tiên) được xây dựng vào năm 1970, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chứng kiến sự phát triển đi lên của vùng đất biên viễn này. Cầu bị tháo gỡ vào tháng 5-2010 khi cầu Tô Châu được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh chụp vào năm 2001. Ảnh: TRỌNG NGHĨA
Thời ấy, công tác an ninh biên giới cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Sau khi kết thúc chiến tranh biên giới, các tổ chức phản động vẫn còn lén lút chống phá, gây bất ổn chính trị. Người dân chưa thật sự an tâm sản xuất. Một mặt giữ vững an ninh, trật tự, Kiên Giang còn thực hiện nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Campuchia, chi viện sức người, sức của giữa lúc tỉnh còn nhiều thiếu thốn. Một thời kỳ với bao bộn bề, nhưng chính từ đó lòng người được thử thách, sự gắn kết giữa Đảng và dân càng thêm bền chặt.
Kiên Giang đầu tư mạnh mẽ vào các công trình dân sinh. Nước ngọt được đưa về TX. Rạch Giá, khai thác nước ngầm tại An Biên, Vĩnh Thuận; lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa (nay là quốc lộ 63) nối liền thị xã với hai huyện căn cứ được hoàn thành; đường xuyên bắc đảo Phú Quốc được mở. Giáo dục có bước phát triển vượt bậc khi hàng ngàn phòng học mới được xây dựng, dần thay thế những lớp học dựng bằng tranh, tre, lá dừa. Y tế cũng ghi nhận bước tiến khi mở rộng bệnh viện tỉnh, xây dựng trạm y tế xã, có y sĩ phục vụ.
MỘT KỲ TÍCH
Đến năm 1986, một bước ngoặt mang tính lịch sử, cả nước sang trang mới, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Với Kiên Giang, đây là thời điểm tỉnh bắt đầu cởi trói khỏi sự gò bó của cơ chế quản lý cũ. Những ngày “ngăn sông cấm chợ” được xóa bỏ. Tỉnh mạnh dạn nhìn thẳng vào thực tế, đánh giá lại hiệu quả của các tập đoàn sản xuất nông nghiệp, giải thể những đơn vị hoạt động yếu kém, xử lý nghiêm các sai phạm trong điều chỉnh ruộng đất. Những ngày sinh hoạt chính trị định kỳ ra đời như một hình thức dân vận sâu sát. Cán bộ tỉnh, huyện xuống sinh hoạt cùng dân để lắng nghe, điều chỉnh chính sách cho sát thực tế.
Năm 1986, tổng sản lượng lương thực của tỉnh đạt 690.000 tấn. Chỉ 4 năm sau, con số đó tăng lên 920.000 tấn. Thành quả ấy đến từ việc khai hoang, phục hóa vùng tứ giác Long Xuyên, chuyển đổi cơ cấu giống lúa năng suất cao. Những người nông dân từng sống bằng tem phiếu giờ đây đã biết mua máy cày, máy bơm, máy suốt lúa. Cuối năm 1990, Kiên Giang cơ bản không còn hộ đói, một kỳ tích trong điều kiện xuất phát thấp.
Một làn gió mới cũng thổi vào vùng biển quê hương. Người dân mạnh dạn đóng mới tàu, thuyền. Số lượng tàu cá từ 280 chiếc năm 1985 tăng vọt lên 5.061 chiếc năm 1990. Nuôi trồng thủy sản bắt đầu xuất hiện những mô hình công nghiệp đầu tiên, chế biến thủy, hải sản có bước cải tiến, đủ sức vươn ra thị trường thế giới.
Nhìn lại giai đoạn 1980-1990, đó không chỉ là chặng đường gian khó, mà là khoảng thời gian Kiên Giang tự định nghĩa lại mình. Chúng ta đã vượt qua cải tạo không hiệu quả, cắt bỏ những gì không còn phù hợp, để bước vào đổi mới với tinh thần cầu thị, thực chất. Thành quả không đến từ những bước đi bằng vàng mà bằng mồ hôi, bằng lòng tin bền bỉ của biết bao con người.
Nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chính những năm tháng đầu tiên của chặng đường đổi mới, với biết bao đớn đau và thử thách đã là nền móng vững chắc để Kiên Giang vươn mình hôm nay.
VIỆT TIẾN
Bài 1: Khôi phục sau chiến tranh
Bài 3: Khám phá con đường phát triển
Tổng số lượt truy cập: