10/02/2025 14:01
Xã Đông Yên có 174 liệt sĩ, thương binh đã đổ máu xương cho ngày hòa bình của dân tộc.
TRỐN NHÀ THEO CÁCH MẠNG
Ông Lê Hoàng Ân, thương binh 4/4, đảng viên 40 năm tuổi Đảng, ngụ ấp Xẻo Đước 2. Năm 1971, chàng trai Lê Hoàng Ân trốn nhà theo các chú tham gia du kích xã Đông Yên khi vừa 20 tuổi.
Dù súng, đạn thiếu thốn nhưng với lòng quả cảm của người chiến sĩ cách mạng, ông Ân cùng đồng đội và lực lượng bộ đội chủ lực lập nên nhiều chiến công, bứt rút nhiều đồn bót của địch như Xẻo Cạn, Cái Nước... Năm 1973, ông Ân được tổ chức phân công làm Xã đội phó xã Đông Yên, sau đó tham gia Tiểu đoàn 207 cho đến ngày đất nước thống nhất.
Nay ở tuổi 73 tuổi, sức khỏe lẫn trí nhớ giảm sút nhiều sau cơn bạo bệnh, vậy mà khi nghe đồng đội nhắc lại trận phục kích đốt cháy xe tăng của địch trên đường thuộc xã Long Thạnh (Giồng Riềng), ông Ân như phấn chấn hẳn.
“Tôi nhớ vào khoảng tháng 4-1974, nhận được tin tình báo xe tăng của địch sẽ di chuyển đến đồn Đường Xuồng, tôi được giao nhiệm vụ phục kích tiêu diệt xe tăng. Xế trưa, khi chiếc xe tăng của địch vừa tới, tôi dùng súng chống tăng B41 làm nổ tung xe tăng của địch, diệt gọn 20 tên lính làm 2 xe tăng đi trước hoảng loạn, vướng phải mìn của quân ta cài sẵn. Thắng lợi đó giáng một đòn mạnh vào kẻ thù, được báo Chiến Thắng đưa tin cổ vũ tinh thần quân và dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi”, ông Ân kể.
Ông Lê Hoàng Ân cùng vợ quết bánh phồng để bán kiếm thêm thu nhập.
Nhắc lại những ngày đất nước vừa được giải phóng, bà Huỳnh Thị Láng, vợ ông Ân kể: “Hồi mới giải phóng gia đình chỉ có 3 công đất toàn năng với sậy, cực khổ lắm. Nhờ ba sắp nhỏ giỏi tới mùa cấy lúa là dậy từ 2 giờ sáng ra đồng rồi. Vợ chồng hết làm ruộng nhà lại đi làm mướn, thuê thêm đất ruộng, quết bánh phồng bán để cải thiện kinh tế gia đình”.
Trong căn nhà tình nghĩa khang trang được Đảng, Nhà nước xây tặng, vợ chồng ông Ân nói cười rôm rả khi nhắc lại chuyện chiến đấu, chuyện hẹn thề vào ngày nước nhà thống nhất sẽ nên duyên. Niềm tin chiến thắng hòa cùng tình yêu sắt son của người chiến sĩ và nữ giao liên gan dạ, mưu trí làm ai nghe cũng khâm phục.
Các con học hành thành tài, ra riêng, vợ chồng ông Ân đều chia đất cho con. Nhưng đó chưa phải là điều khiến ông tự hào nhất. “Đánh đuổi ngoại xâm, nước nhà thống nhất, nhân dân được sống đời tự do, no ấm trên quê hương mình là điều mà tôi mãn nguyện nhất vì đã góp phần nhỏ bé cho ngày thắng lợi của dân tộc, non sông”, ông Ân nói.
GIỮ TRÒN KHÍ TIẾT NGƯỜI CỘNG SẢN
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông Nguyễn Văn Công 74 tuổi, ngụ ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên, đảng viên 45 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đông Yên tham gia du kích xã Đông Yên từ năm 1970. Đất nước hòa bình, ông Công xin về công tác tại ban thông tin liên lạc ấp Xẻo Đước, xã Đông Yên.
Năm 1978, ông Công tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng. Lần trở lại chiến trường này ông Công được giao nhiệm vụ Đại đội phó Đại đội 3 Tiểu đoàn 2, đóng quân tại tỉnh Kampot, để lại quê nhà người vợ trẻ Nguyễn Thị Có và hai con thơ. Từng tham gia công tác tại Ban Quân giới tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ nên bà Có động viên ông an tâm chiến đấu.
Ông Nguyễn Văn Công bên ruộng lúa của gia đình.
Chiến đấu trên chiến trường Campuchia có lần ông Công bị thương nặng, phải điều trị nhiều ngày, nhưng là đảng viên ông luôn tự nhắc mình phải chiến đấu anh dũng, hoàn thành nghĩa vụ với dân, với nước, xứng danh bộ đội Cụ Hồ.
Cuối năm 1979, ông Công hoàn thành nhiệm vụ, trở về xã Đông Yên và đảm nhiệm một số chức vụ như Xã đội trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã rồi Bí thư Đảng ủy xã, đến năm 2000 thì nghỉ hưu. Về sinh hoạt Đảng tại ấp, ông được Chi bộ tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ ấp Xẻo Đước 2 nhiệm kỳ. Dù ở vị trí nào, ông Công vẫn giữ gìn sự liêm khiết.
Chợ xã Đông Yên được thành lập từ nguồn vốn xã hội hóa năm 2001. Nhiều người đến giờ vẫn còn nhắc công lao của ông Công trong việc chủ trương để tư nhân tham gia xây dựng chợ, góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ địa phương phát triển. Chợ xây xong, có người ngỏ lời tặng ông lô đất tại chợ như tạ ơn vì có quyết sách kịp thời nhưng ông kiên quyết từ chối.
“Tôi may mắn được lành lặn trở về, được công tác và cống hiến cho xã. Lời thề trước Đảng, trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nhắc nhở tôi phải giữ gìn đạo đức cách mạng, giữ tròn khí tiết người cộng sản”, ông Công nói.
Bài và ảnh: VIỆT AN
(KGO) - Kết quả xếp loại năm 2024, 45/45 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy Tân Hiệp (Kiên Giang) hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 100%.
Tổng số lượt truy cập: