14/12/2022 14:19
ĐỂ NGƯỜI DÂN GIÁM SÁT
Cách đây vài năm, ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận xảy ra vụ việc gây bức xúc cho người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân bị hạn hán, nước mặn xâm nhập mùa khô năm 2015-2016. Khi thanh tra và cơ quan công an vào cuộc, nhiều cán bộ xã bị kỷ luật, đáng chú ý có một cán bộ xã bị khởi tố, kết án do có hành vi tư túi.
Câu chuyện cũ được người dân xã Vĩnh Thuận giở lại khi vừa qua xã tiến hành các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Khác với lần trước, UBND xã Vĩnh Thuận và các ấp làm việc bài bản hơn trước, công khai, minh bạch để cho người dân nắm và giám sát.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận Trần Thu Sương, danh sách người dân được hỗ trợ do hội đồng của xã xét duyệt, mời lãnh đạo các ấp xét. Danh sách người dân được hỗ trợ niêm yết tại trụ sở ấp để người dân theo dõi. Xã thành lập các tổ trực tiếp đến ấp cấp tiền hỗ trợ cho người dân.
“Chúng tôi làm từng bước, thực hiện theo quy định, đúng quy trình, có thời gian để người dân theo dõi danh sách, giám sát trường hợp không đúng đối tượng hoặc chưa nhận hỗ trợ. Khi người dân phản ánh, chúng tôi đều xem xét, kiểm tra lại”, đồng chí Trần Thu Sương cho biết.
Bằng cách để người dân giám sát, UBND xã Vĩnh Thuận hỗ trợ hơn 2.600 hộ gia đình và 82 doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thời gian qua với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng, đến nay chưa phát hiện sai sót nào.
Ông Lê Văn Bul, ngụ ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận cho biết: “Vợ của tôi được hỗ trợ thất nghiệp 1,5 triệu đồng. Người dân trực tiếp giám sát danh sách người được hỗ trợ nên không có đối tượng không đúng quy định được hưởng như trước đây. Chúng tôi thấy công bằng và an tâm với cách làm của chính quyền địa phương”.
Cán bộ UBND xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) hướng dẫn người dân làm thủ tục để được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để vụ việc cũ không tái diễn, Đảng bộ xã Vĩnh Thuận chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu thực hiện.
Đồng chí Trần Thu Sương cho biết: “Chúng tôi kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với chủ động phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong tổ chức, đơn vị. Chúng tôi chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào công tác tự phê bình và phê bình đối với từng tổ chức đảng và đảng viên, xem đây là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên hàng năm”.
PHÒNG NGỪA LÀ CHÍNH
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Vĩnh Thuận Trần Văn Thanh Hà cho biết, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở huyện xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Vĩnh Thuận chú trọng thực hiện biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, tăng cường kiểm tra, giám sát của Đảng và thanh tra của Nhà nước.
“Mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch cam kết với chi bộ, cơ quan, đơn vị về giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa để rèn luyện và làm cơ sở kiểm điểm, đánh giá xếp loại cuối năm”, đồng Trần Văn Thanh Hà nói.
Thời gian qua, huyện Vĩnh Thuận kiên quyết xử lý nghiêm cấp ủy viên, người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền thiếu tiêu biểu, gương mẫu, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, Đảng bộ huyện xử lý kỷ luật 3 huyện ủy viên, 1 nguyên bí thư đảng ủy xã, 1 chủ tịch UBND xã, 9 đảng ủy viên và 16 chi ủy viên...
Đảng bộ huyện Vĩnh Thuận có 1.083 lượt cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, niêm yết tại cuộc họp cơ quan, đơn vị. Mặc dù vậy có 1 trường hợp vi phạm quy định về kê khai tài sản phải bị xử lý kỷ luật.
Không riêng huyện Vĩnh Thuận, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Kiên Giang có hơn 80.600 lượt người phải kê khai tài sản thu nhập theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát việc kê khai tài sản, cấp có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 3 trường hợp, khiển trách 3 trường hợp ở các huyện Vĩnh Thuận, Hòn Đất, Giồng Riềng, TP. Phú Quốc...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, giao trách nhiệm cho bí thư cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; chịu trách nhiệm trực tiếp với cấp trên và bị xử lý nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra tình trạng tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, cấp có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng 21 trường hợp, trong đó xử lý hành chính 19 trường hợp, xử lý hình sự 2 trường hợp xảy ra tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Phú Quốc.
Khi thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, Kiên Giang kịp thời khen thưởng 2 tập thể, 3 cá nhân về thực hiện chuẩn mực trong thực thi công vụ; đồng thời chấn chỉnh, xử lý 42 đơn vị, 47 công chức, viên chức vi phạm quy định về quy tắc ứng xử… Các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Nhiều vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật. Kết quả đó là nhờ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thể hiện vai trò tích cực trong nhiệm vụ thường xuyên của từng cơ quan, đơn vị và cùng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tạo nên phong trào mạnh mẽ, làm trong sạch, vững mạnh nội bộ Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh…
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Ngày 12-11, Tổ chỉ đạo đại hội điểm cấp cơ sở và cấp huyện nhiệm kỳ 2025-2030 có buổi làm việc với Đảng ủy phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ phường lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang chọn tổ chức đại hội điểm của tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2025-2030, dự kiến diễn ra ngày cuối tháng 2-2025.
Tổng số lượt truy cập: