10/08/2021 10:32
Chiến tranh lùi dần vào quá khứ nhưng hậu quả của chiến tranh để lại rất tàn khốc. Một trong những nỗi đau đó là hậu quả của chất độc da cam/dioxin gây ra cho nhiều người. Hiện toàn tỉnh có trên 1.300 nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Những năm qua, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh vận động nguồn lực để chăm lo cho nạn nhân da cam và giúp đỡ gia đình nạn nhân. Năm 2020, hỗ trợ xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà, giúp vốn sản xuất cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên 1,2 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, các cấp hội vận động nhà hảo tâm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hộ nghèo tại các địa phương trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Thông qua các phong trào của hội và từ hoạt động tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về hậu quả của chất độc da cam/dioxin; thu hút sự quan tâm, ủng hộ ngày càng nhiều của tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.
Đồng chí Trần Thu Vân (bìa phải) - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng quà gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật trên địa bàn huyện An Biên.
Đồng chí Trần Thu Vân - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: “Với nhiệm vụ kết nối và chăm sóc nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, hội tập hợp 920 hội viên; vận động nhà hảo tâm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hội trân trọng tình cảm của doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sát cánh cùng hội trong các chuyến đi thăm và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Từ chuyến đi đó, nhà tài trợ tiếp tục gắn bó chặt chẽ với hội trong việc tài trợ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thậm chí tăng mức tài trợ và mở rộng phạm vi chương trình nhân đạo của mình. Điều đó thật đáng quý khi cùng cộng đồng chia sẻ nỗi đau da cam với các nạn nhân”.
Hoạt động trợ giúp, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội trong tỉnh. Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, bệnh tật, dị dạng, khó khăn nhiều mặt về đời sống được cộng đồng quan tâm hỗ trợ. Để có kết quả đó, thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước kiện toàn tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là trong công tác vận động nguồn lực chăm lo, giúp đỡ nạn nhân vươn lên trong cuộc sống.
Bà Trần Thị Tân có con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, ngụ xã Hòa Lợi (Giồng Riềng) chia sẻ: “Nếu không được các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin và nhà hảo tâm hỗ trợ, gia đình tôi không biết bao giờ mới có tiền để xây nhà khang trang. Nhà xây xong, gia đình tôi vui lắm, chúng tôi không còn phải sống trong cảnh nhà dột nát. Bên cạnh giúp đỡ xây nhà, thời gian qua, hội thường xuyên thăm, tặng quà cho gia đình vào các ngày lễ. Qua chia sẻ, động viên đó, tôi được tiếp thêm nghị lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”.
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh luôn quan tâm chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật trên địa bàn. Trong ảnh: Đồng chí Lê Thị Sang (bìa trái) - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện U Minh Thượng thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Bạch Mai (gia đình có con cháu bị khuyết tật), ngụ ấp Kênh 6, xã Minh Thuận.
Anh Nguyễn Văn Dủ, ngụ xã Phi Thông (TP. Rạch Giá) là một trong những điển hình vượt khó, sử dụng vốn hỗ trợ của hội đúng mục đích, hiệu quả. Trước đây, anh Dủ làm thuê để nuôi gia đình, năm 2020, từ vốn vay hỗ trợ sản xuất của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, anh Dủ thuê đất để làm ruộng. “Nhờ sự giúp đỡ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, đến nay mô hình trồng lúa của gia đình tôi thu nhập ổn định hơn trước, gia đình tôi bớt khó khăn”, anh Dủ tâm sự.
Để chăm lo tốt hơn cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tiếp tục quán triệt sâu rộng chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, đi sâu chính sách liên quan đến nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đồng thời, rà soát nắm thực trạng nạn nhân chất độc da cam/dioxin có phân loại lý do khó khăn, mức độ khó khăn, khảo sát nắm tình hình số liệu nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3, 4 bị ảnh hưởng chất độc hóa học để báo cáo, kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách theo chỉ đạo của Trung ương... Ngoài ra, các cấp hội tăng cường vận động nguồn lực để tiếp tục chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam…
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: