27/01/2023 09:27
CỤ ÔNG RONG RUỔI BÁN VÉ SỐ
82 tuổi, ông Nguyễn Thanh Vân, ngụ đường Mạc Cửu, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) vẫn còn miệt mài lao động kiếm sống hằng ngày, kể cả những ngày tết. 22 giờ, chúng tôi thấy ông rong ruổi trên đường Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá để bán từng tờ vé số. Cụ ông bề ngoài dù nhuốm màu sương gió, vẫn nở nụ cười tươi mời khách mua vé số.
Ông Vân cho biết, mỗi ngày ông bán vé số 2 buổi: Sáng vài tiếng đồng hồ, chiều tối từ 17 giờ đến khoảng 22-23 giờ. Trước đây còn khỏe, ông bán trên 200 tờ vé số mỗi ngày. Gần đây, ông chỉ bán từ 100-200 tờ mỗi ngày, lời được 1.000 đồng/tờ.
Ông Nguyễn Thanh Vân tươi cười mời khách mua vé số.
Ông Vân sống với con gái, nhưng hoàn cảnh khó khăn. Không muốn là gánh nặng cho con nên ông muốn tự đi bán vé số kiếm tiền, vừa nuôi sống bản thân, vừa để giúp đỡ được con mình. “Trước đây, tôi lội bộ mỗi ngày khoảng 20 cây số nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 8 cây số mỗi ngày. Buổi chiều và tối, tôi không ăn cơm, chỉ mua bánh mì hoặc xôi ăn rồi đi bán tới khuya mới về nhà”, ông Vân chia sẻ.
Trong 20 năm bán vé số, không ít lần ông Vân bị người khác lừa đổi vé số giả hoặc mua nhiều nhưng trả tiền ít. Những lần như thế, ông mất hết vốn, thấy vậy một số người tốt bụng cho ông vài trăm ngàn đồng giúp ông vượt qua khó khăn.
Dù vẫn phải mưu sinh tuổi xế chiều, nhưng đối với ông Vân, được đi bán vé số kiếm tiền là niềm vui. “Tôi cảm thấy gia đình đủ ăn, không thiếu nợ là một phước lớn. Tôi mong ước năm mới được mạnh khỏe, không đau nhức là đủ lắm rồi”, ông Vân nói.
BÁN BÁNH MÌ NUÔI CHA MẸ GIÀ
Anh Nguyễn Tuấn, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá cũng rong ruổi trên đường phố với chiếc xe bán bánh mì. Chúng tôi gặp anh Tuấn đêm giao thừa, anh chia sẻ: “Niềm vui của tôi trong năm mới, nhất là đêm giao thừa đơn giản chỉ là bán được thêm nhiều bánh mì để có được tiền lời nuôi cha mẹ già và cô ruột đều trên 70 tuổi”.
Tuổi đã ngoài 40, nhưng anh Tuấn vẫn chưa có vợ. Anh dành khoảng thời gian trong ngày để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình. Trước đây, anh làm lơ xe rồi phụ hồ cả chục năm. Từ khi chuyển về thuê nhà trọ sống ở đường Trần Mai Ninh, TP. Rạch Giá, anh chuyển sang bán bánh mì.
Khu vực anh Tuấn thường lui tới để bán bánh mì là khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc TP. Rạch Giá. “Tôi bán từ 11 giờ trưa đến khoảng 4 giờ sáng, sau đó chạy về nhà. Mỗi ngày, tôi bán bánh mì, chả cá, chả bò… lời từ 200.000-300.000 đồng, những ngày ế kiếm chưa tới 100.000 đồng. Đêm nào tôi cũng bán, Tết Nguyên đán năm 2023 tôi bán suốt không nghỉ”, anh Tuấn cho biết.
Anh Nguyễn Tuấn bán bánh mì cho khách.
Anh Tuấn tranh thủ ngủ buổi sáng từ 4-5 tiếng đồng hồ, còn lại thời gian trong ngày, anh gắn liền với chiếc xe bánh mì. Mỗi ngày, anh dành 50.000 đồng để mua thức ăn cho cả gia đình. Số tiền còn lại anh để phòng những lúc cha mẹ già và cô ruột ốm đau, bệnh tật. “Có những lúc bữa nào xài hết bữa đó, không có dư tiền để dành”, anh Tuấn nói.
Vất vả mưu sinh, nhưng anh Tuấn cảm thấy thoải mái và luôn có niềm vui, lạc quan trong cuộc sống vì được làm việc mình thích, tự do, không phải phụ thuộc vào ai và đặc biệt làm một người con có hiếu.
NƯƠNG TỰA NHAU LÚC XẾ CHIỀU
Ông Ngô Kim Se (72 tuổi) và bà Nguyễn Ngọc Phụng (71 tuổi) có 22 năm bán bột chiên, nuôi chiên trên đường Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá. Ông bà bán từ 16 giờ đến 23-24 giờ mỗi ngày. Đêm giao thừa, ông bà bán suốt đêm, những ngày tết vẫn bán bình thường.
Ông Ngô Kim Se chế biến món ăn, bà Nguyễn Ngọc Phụng bưng phục vụ khách ăn bột chiên, nuôi chiên.
Hiện tại, ông Se và bà Phụng sống nương tựa nhau lúc tuổi xế chiều. Ông, bà có một người con nhưng đã mất cách đây khá lâu. “Lúc bệnh hoạn, tôi và ông chăm sóc nhau. Cuộc sống chịu cực cũng quen, không bán không có tiền, ai mà nuôi, chết cũng không ai lo”, bà Phụng chia sẻ.
Mỗi đêm, ông Se và bà Phụng bán từ 50-100 dĩa bột chiên, nuôi chiên, trừ chi phí lời khoảng 150.000 đồng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông bà còn rất nhanh nhạy. Hằng đêm, ông đứng nấu, bà bưng bê phục vụ khách. “Năm nào hai vợ chồng tôi cũng bán xuyên tết, không ngừng nghỉ”, bà Phụng chia sẻ.
Để có sức khỏe buôn bán mỗi ngày, bà Phụng cho biết hai vợ chồng bà có thói quen tập thể dục buổi sáng, sống cuộc sống lành mạnh, ít buồn phiền, hăng say lao động. “Tôi mong muốn hàng đêm có nhiều khách đến ủng hộ, như vậy là hai vợ chồng tôi vui lắm rồi”, bà Phụng nói.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: