31/08/2021 14:14
TÍCH CỰC VẬN ĐỘNG
Nhiều năm qua, vào thời gian nghỉ hè, các chùa Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh bắt đầu vào đầu năm học. Cùng thời điểm này nhiều con em đồng bào Khmer lại theo gia đình đi làm ăn xa. Tình trạng này kéo dài mà giáo viên cũng như ban giám hiệu các trường, các chùa chưa tìm ra được hướng giải quyết thích hợp. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương cùng các chùa Khmer tập trung vận động con em đồng bào Khmer đến trường.
Thượng tọa Danh Phản - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Pali - Khmer Kiên Giang cho biết: “Thời gian qua, chăm lo việc học chữ Khmer cho các em vẫn chưa được các bậc phụ huynh quan tâm đúng mức. Trường đã phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các gia đình. Nhằm tạo điều kiện cho các tăng sinh, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, hàng năm, trường còn trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia học tại trường”.
Trường Trung cấp Pali - Khmer Kiên Giang còn vận động phật tử thành lập quỹ tiết kiệm theo mùa để tạo nguồn kinh phí phục vụ công tác xây dựng và hỗ trợ các tăng sinh và học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi. Riêng những trường hợp bỏ học giữa chừng các vị sư vận động, thuyết phục gia đình, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tập, sách để các em có thêm điều kiện đến lớp. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh mở được 13 lớp ngữ văn Khmer với 225 học sinh tham gia học tập. Tại chùa Sóc Xoài, trụ trì chùa còn mua máy vi tính để trang bị kiến thức cho chư tăng và con em đồng bào Khmer trong xóm, ấp gần chùa đến để chỉ dẫn giúp các em tiếp cận, làm quen với công nghệ thông tin và tiếp cận với internet.
Thượng tọa Danh Nâng - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Chánh Thư ký Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, trụ trì chùa Thứ Năm (An Biên) hướng dẫn tăng sinh đang học lớp ngữ văn Khmer.
Ông Huỳnh Song - giáo viên Trường Trung cấp Pali - Khmer Kiên Giang cho biết: “Vùng này bà con còn nghèo, nên tôi xem việc dạy chữ Khmer cho các em là trách nhiệm. Lên lớp tôi luôn cố gắng dạy để các em đọc và viết được chữ Khmer, có thể đọc thêm sách, báo, nắm bắt nhiều thông tin góp phần nâng cao đời sống”.
GÓP PHẦN GÌN GIỮ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC
Ở huyện An Biên, thượng tọa Danh Nâng - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Chánh Thư ký Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, trụ trì chùa Thứ Năm (An Biên) là người có nhiều đóng góp cho địa phương trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer.
Bên cạnh đó, thượng tọa Danh Nâng hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Với suy nghĩ không có tri thức sẽ tụt hậu lại phía sau và không thể nào tiến bộ được, thượng tọa Danh Nâng tận dụng giảng đường để xây dựng thành phòng học. “Thấy trẻ em đến trường tôi vui lắm. Chăm lo dạy chữ Khmer là một việc làm thiết thực. Vì vậy, đối với những bậc làm cha, làm mẹ dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng để con mình được học ngôn ngữ của dân tộc mình”.
Em Thị Ngọc Quanh, học sinh lớp ngữ văn Khmer tại chùa Thứ Năm cho biết: “Trước đây, việc học chữ Khmer rất khó nên nhiều lúc em muốn nghỉ học để phụ gia đình. Những khi được các thầy tuyên truyền, vận động về lợi ích của việc học chữ Khmer em cố gắng vượt qua khó khăn. Giờ đây em đã đọc được chữ Khmer, có thể tìm hiểu được lịch sử, văn hóa của dân tộc mình”.
Với những kết quả đạt được thời gian qua, cộng với sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền các địa phương và ngành giáo dục, công tác dạy chữ Khmer đang từng bước phát triển. Đồng chí Danh Tha - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc Khmer thời gian qua luôn được Đảng và Nhà nước cũng như tỉnh quan tâm. Thông qua việc dạy chữ Khmer tại các chùa góp phần bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh”.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: