07/07/2020 16:38
Người dân địa phương nể phục anh Ngoan bởi tính hiền lành, siêng năng, chăm chỉ lao động, sản xuất. Anh Ngoan cưới vợ, ra riêng, được cha mẹ chia cho 7ha đất để lập nghiệp. Đến vụ mùa thì làm ruộng, hết vụ lúa anh cải tạo đất thả tôm. Dành dụm vài năm anh có vốn để mua thêm đất, mở rộng kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu.
Anh Ngoan chia sẻ: “Tôi thấy bà con trong ấp muốn mua phân bón phải đi xa, vừa tốn tiền vừa tốn công sức, thời gian, tôi quyết định mở cơ sở kinh doanh phân bón vừa phục vụ cho gia đình vừa đáp ứng nhu cầu của nông dân. Ban đầu tôi chỉ nhận làm đại lý cho một số công ty phân bón, nhận phân phối lúa giống, trả chậm. Nhờ làm ăn uy tín, chất lượng nên đại lý phân bón của tôi được bà con lựa chọn, doanh số bán ngày càng nhiều. Mỗi năm, tôi bán ra trên 1.500 tấn phân bón các loại, doanh thu 7-8 tỷ đồng/năm”.
Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy người dân bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang tôm lúa, anh Ngoan lấn sang lĩnh vực khác là làm đại lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thủy sản, đồng thời cung cấp giống tôm. Sau này, anh còn lấn sân thêm dịch vụ làm đất, múc vuông tôm. Anh đầu tư 3 máy Kobe múc đất, mỗi tháng đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Ngoan (bên phải), ngụ ấp Lô 3, xã Hưng Yên (An Biên) tư vấn cách sử dụng thuốc cho khách hàng.
Biến đổi khí hậu thời tiết thất thường, sản xuất lúa ngày càng khó khăn, nhiều người chán nản bán đất hoặc cầm cố đi nơi khác lập nghiệp, nhưng anh Ngoan vẫn quyết tâm bám ruộng, bám đồng đất quê hương để làm giàu. Với 7ha đất canh tác 1 vụ lúa 1 vụ tôm, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác, năng suất lúa đạt từ 8 tấn/ha, tôm thu hoạch mỗi năm trên 500 triệu đồng.
Mặc dù công việc kinh doanh phân bón cho lợi nhuận khá nhưng anh Ngoan vẫn bám ruộng. Anh Ngoan nói: “Tôi xuất thân là nông dân, mê ruộng từ khi còn nhỏ, dù bây giờ việc kinh doanh chiếm phần lớn thời gian nhưng mỗi ngày tôi vẫn dành thời gian đi thăm đồng, đặt lú bắt tôm”.
Không chỉ giỏi kinh doanh, anh Ngoan mong muốn cống hiến một phần cho xã hội, cố gắng giúp đỡ nhiều người khó khăn. Đều đặn mỗi năm anh dành hỗ trợ gần chục tấn gạo cho bà con nghèo. Trong công tác khuyến học, anh thường xuyên sát cánh cùng các trường học và chính quyền địa phương để kịp thời hỗ trợ từ tập sách đến học bổng cho các em học sinh vượt qua khó khăn.
Ấp Lô 3 được Nhà nước đầu tư đường bê tông, nhưng do xây dựng nhiều năm, đường xuống cấp, nhiều cây cầu xi măng nhỏ hẹp nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, mùa mưa các em học sinh đi học đường sình bùn, lầy lội khó đi. Thấy vậy anh tự nguyên bỏ tiền để xây cầu, làm đường. Tính đến nay, anh Ngoan tự bỏ tiền xây dựng 4 cây cầu kinh phí 350 triệu đồng, hỗ trợ sửa chữa 2km đường giao thông nông thôn, xây dựng 4 căn nhà cho hộ nghèo trên 350 triệu đồng…
Với những việc làm nhân ái, nghĩa tình, anh nông dân Út Ngoan được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khen tặng về thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018. Anh Ngoan chia sẻ: “Mình có điều kiện thì thấy việc gì giúp ích được cho xã hội thì làm, thấy người dân vui thì mình cũng vui rồi. Để giúp ích nhiều hơn nữa cho xã hội, bản thân cần cố gắng chăm chỉ làm việc hơn để có thêm khả năng đóng góp cho địa phương và người dân quê mình”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Những năm qua, đời sống đồng bào Chăm tại huyện An Biên (Kiên Giang) thay đổi tích cực. Người dân phát huy tinh thần đoàn kết và hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế gia đình. Đồng bào Chăm đã nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện đời sống, giảm nghèo và góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Tổng số lượt truy cập: