04/01/2023 13:23
Xe lắc giúp bà Lê Thị Bé, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Ngồi trên xe lắc vừa được tặng, chị Huỳnh Bích Phượng, ngụ thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) dùng tay đẩy về phía trước nói: “Nay có phương tiện đi lại, tôi đi bán bánh, kẹo để kiếm tiền cùng chồng trang trải cuộc sống...”.
Chị Phượng là một trong số 200 người khuyết tật, bệnh tật được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang tặng xe lăn, xe lắc năm 2022. Chị bị sốt bại liệt năm 6 tuổi, hai chân bị teo không đi lại được, đến năm 18 tuổi chị được hỗ trợ phẫu thuật nhưng khó khăn trong việc đi lại. Hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, hàng ngày chị phải nhờ người thân đưa đến trước cổng trường tiểu học để mua bán bánh, kẹo trang trải cuộc sống gia đình.
“Xe lắc là phương tiện để bán bánh, kẹo, kiếm tiền lo cho các con. Tôi cố gắng lao động tốt để không phụ sự quan tâm của nhà hảo tâm”, chị Phượng nói.
Đôi chân co quắp, lách khỏi chiếc xe lăn, ông Lê Văn Xíu, ngụ thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành (Kiên Giang) khó nhọc lê từng bước vào quán bán vé số. Hình ảnh này tuy quen thuộc hàng ngày ở các quán ăn uống trên địa bàn thị trấn Minh Lương nhưng với người lần đầu chứng kiến thì không khỏi chạnh lòng. Khuôn mặt khắc khổ, nhiều nếp nhăn, đôi chân chai sạn bởi công việc bán vé số nên ông Xíu già so với tuổi.
Ông Xíu chia sẻ: “Được hỗ trợ xe lắc, tôi di chuyển dễ hơn và có thể đi xa hơn để bán vé số. Mấy năm trước chỉ có xe lăn, lăn xa không được chỉ quanh quẩn ở chợ Minh Lương nên mỗi ngày tôi kiếm được vài chục ngàn, lo gạo ăn qua ngày”.
Dù bị khuyết tật nhưng ông Xíu luôn cố gắng để không làm gánh nặng cho gia đình. Ông được nhiều người dân quý mến bởi ý chí, nghị lực vượt khó. “Sinh ra bình thường như bao người rồi không may tôi bị bệnh sốt bại liệt, căn bệnh để lại di chứng trên đôi chân, từ đó tôi đi lại khó khăn khiến tôi mặc cảm với nhiều người. Lớn lên, tôi cố gắng để lo cho bản thân và gia đình”, ông Xíu nói.
Ông Lê Văn Xíu, ngụ thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành (Kiên Giang) vui mừng vì được tặng xe lắc để làm phương tiện mưu sinh.
Không đơn thuần là phương tiện đi lại, những chiếc xe lắc đã và đang trở thành “đôi chân” để người khuyết tật, bệnh tật làm kế mưu sinh mỗi ngày bằng những việc bán vé số, hàng rong...
Chị Nguyễn Thị Nhanh, ngụ huyện Tân Hiệp vui khi được cho chiếc xe lắc tay. Chị Nhanh kể, sau trận bệnh nặng, một chân chị bị hoại tử phải cưa bỏ, chỉ còn một chân. “Lúc đó, tôi đau khổ, không còn tinh thần. Sau này, nhờ gia đình động viên, tôi cố gắng tập đi bằng nạng gỗ”, chị Nhanh nói.
Không muốn suốt đời là gánh nặng của gia đình, chị Nhanh tự kiếm sống, mưu sinh bằng nghề mót ve chai. Chị bơi xuồng dọc các con kênh để mót ve chai bán kiếm tiền, mỗi ngày bán được vài chục ngàn. “Từ hôm có xe lắc, tôi không còn đi mót ve chai trên sông mà chuyển sang bán vé số, thu nhập khá hơn”, chị Nhanh chia sẻ.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: