27/09/2024 15:27
Trở về cuộc sống đời thường sau những năm góp sức trẻ vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, đất nước, thương binh Nguyễn Quốc Hoài mưu sinh bằng nghề đông y ở vùng căn cứ cách mạng U Minh Thượng. Đến năm 2010, ông Hoài đến TP. Rạch Giá sinh sống và ngụ tại phường An Bình. Năm 2011, ông bắt đầu công việc thiện nguyện tại phòng thuốc nam miễn phí trong khuôn viên Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực.
Ông Hoài tâm sự: “Gia đình tôi không có truyền thống làm nghề y. Một lần tôi bệnh nặng, sau thời gian chạy chữa nhiều nơi không hết, tôi được gia đình đưa đến Ba Chúc (An Giang) hốt thuốc nam uống. May mắn chỉ hơn một năm trị bệnh bằng thuốc nam sức khỏe tôi bình phục. Từ đó, tôi quyết định xin thầy cho học chữa bệnh bằng thuốc nam, vì muốn được như thầy chữa bệnh giúp người, giúp đời. Sau này, tôi học chuẩn hóa lương y, học thêm y sĩ đông y để chữa bệnh cho người dân đến nay”.
Lương y Nguyễn Quốc Hoài (bên trái) bắt mạch cho bệnh nhân.
Theo ông Hoài, niềm vui lớn nhất của ông là được nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh. Để bệnh nhân sớm hồi phục, ông thường xuyên khuyên mọi người uống thuốc đúng đơn, theo hướng dẫn và gìn giữ sức khỏe, rèn luyện lối sống lành mạnh bằng việc tập thể dục, thể thao thường xuyên… Với sự tận tâm, ân cần phục vụ, ông Hoài luôn được người đến khám bệnh tin tưởng, tôn trọng và biết ơn.
Bà Nguyễn Thị Trinh (68 tuổi), ngụ xã Mỹ Lâm (Hòn Đất) hay đau nhức, đi lại khó khăn nên thỉnh thoảng đến Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực hốt thuốc nam về uống và châm cứu. “Những người thiện nguyện ở đây rất tận tình hướng dẫn tôi. Thuốc uống hiệu quả. Riêng y sĩ đông y Nguyễn Quốc Hoài rất gần gũi, nhiệt tình, luôn căn dặn tôi và những người đến bắt mạch rất kỹ càng. Ông kê đơn, hướng dẫn những việc nên làm, nên tránh trong thời gian uống thuốc trị bệnh và cả việc ăn uống, lối sinh hoạt phù hợp với người lớn tuổi…”, bà Trinh nói.
Hiện ông Hoài không chỉ tham gia bắt mạch, bốc thuốc nam miễn phí cho người dân khi đến Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực mà còn làm công tác thiện nguyện ở đình thần Nguyễn Hiền Điều, phường An Bình (TP. Rạch Giá). Ông Hoài cho biết: “Thường mỗi sáng tôi phục vụ tại Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, chiều về đình Nguyễn Hiền Điều. Dù tuổi cao, đi lại có chút khó khăn, nhưng thấy còn hỗ trợ được người bệnh, tôi không ngại khó. Đối với người bệnh mạn tính, cần thời gian dài điều trị mới bớt bệnh. Khi điều trị phục hồi, họ rất vui, tôi cũng vui. Đó cũng là động lực để chúng tôi gắn bó với công việc này hàng chục năm qua”.
Vợ ông Nguyễn Quốc Hoài là bà Cao Thị Thu Hai năm nay 51 tuổi cũng hết mực đồng lòng với chồng làm công tác thiện nguyện. “Vợ tôi cùng tôi phục vụ ở phòng thuốc nam tại Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực buổi sáng, buổi chiều về phòng khám tại nhà bốc thuốc, châm cứu kiếm thêm tiền lo cho sinh hoạt gia đình. Vợ chồng tôi xác định giờ còn khỏe, các chi phí trong nhà và lo con học hành không nhiều nên mình cố gắng noi gương Cụ Nguyễn giúp ích cho người, cho đời. Các chế độ hàng tháng của tôi được kha khá nên đủ lo cho con cái học hành, không nặng nề lắm về tiền bạc”, ông Hoài nói.
Theo ông Nguyễn Phước Hoa - nguyên Phó trưởng Ban bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, không riêng người phục vụ ở phòng thuốc nam mà tất cả mọi người làm công quả tại di tích đều có điểm chung là cùng chung tâm nguyện noi gương Cụ Nguyễn góp sức mình giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Đây không chỉ là đức tin đối với bậc tiền nhân, vị anh hùng dân tộc mà còn thể hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam - tấm lòng tương thân tương ái, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Bài và ảnh: BẢO KHÁNH
(KGO) - Năm 1994, Trường Dân lập Hạnh Phước được thành lập. Sau nhiều lần thay đổi, đến ngày 1-9-2008, trường mang tên Trường Mầm non - Tiểu học Hạnh Phước. Đến nay trường đã có 30 năm hoạt động. Năm 2009, Trường Mầm non - Tiểu học Hạnh Phước vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Tổng số lượt truy cập: