19/05/2021 14:44
NHO RỪNG “XUỐNG NÚI”
Thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn TP. Hà Tiên đã sử dụng trái nho rừng để ngâm, ủ thành mật nho và rượu nho. Qua sử dụng nhận thấy tác dụng và hiệu quả tích cực của trái nho rừng nên nhiều người dân địa phương đã chủ động đầu tư sản xuất và xây dựng thương hiệu mật nho và rượu nho rừng. Bà Chên Bâu, ngụ khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức cho biết: “Trước đây, những trái có rất nhiều ở vùng này. Mọi người đi rừng nhìn thấy nhưng xem như một loài cây mọc hoang nên không ai sử dụng. Mãi đến khi người dân khám phá và thử nghiệm việc làm mật và rượu từ quả rừng này cho kết quả thành công, lúc đó nho rừng bắt đầu “xuống núi””.
Tại cơ sở sản xuất rượu nho rừng của bà Chên Bâu, nhiều hũ rượu và hũ mật nho rừng đã đủ thời gian ủ, hương vị thơm ngon, mới lạ. “Việc sơ chế, ngâm, ủ mật nho rừng và rượu nho rừng không khó, quan trọng là chất lượng trái và độ chín vừa mọng, đảm bảo không quá xanh và dập nát. Trái nho sau khi hái đem sơ chế sạch, phơi một nắng rồi mới tiến hành ủ mật và ngâm rượu. Tôi thường ngâm 10kg nho với 20 lít rượu, nếu ủ mật thì 10kg nho ủ với 5kg đường phèn”, bà Chên Bâu nói.
Theo bà Chên Bâu, trái nho rừng có lợi cho sức khỏe nên dần dần mật nho và rượu nho rừng được người dân tin dùng, sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, việc ngâm rượu nho rừng là mô hình tự phát nên người làm nghề này còn gặp không ít khó khăn về thủ tục pháp lý, nguồn nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất và cách thức đóng chai sản phẩm.
Bà Chên Bâu (bên phải), ngụ khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) giới thiệu rượu nho rừng với khách hàng.
Là một trong những người làm rượu nho rừng, chị Lê Thị Hồng Trâm, ngụ số 58 đường Phạm Văn Kỹ (TP. Hà Tiên) cho biết: “Tôi thường mua nho rừng về tự ngâm rượu để phục vụ khách tại quán ăn hải sản của gia đình. Khách rất thích rượu nho rừng do quán tự ngâm. Bình quân mỗi tháng tôi ngâm và bán vài trăm lít rượu nho rừng”. Theo chị Trâm, hiện rượu nho rừng trở thành thương hiệu quen thuộc, được nhiều người tiêu dùng chọn uống bởi hương vị thơm ngon, mới lạ. Ngoài rượu nho rừng, chị Trâm ủ thêm mật nho rừng để pha nước uống bán cho khách hàng. Nước mật nho rừng thơm ngon, giải khát tốt nên nhiều khách hàng ưa chuộng.
TIẾN TỚI XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
Hiện nay, TP. Hà Tiên có khoảng 10 hộ dân thực hiện mô hình ngâm rượu nho rừng và ủ mật nho rừng. Tuy nhiên, đây là mô hình tự phát nên người làm nghề còn gặp không ít khó khăn về mặt thủ tục pháp lý, nguồn nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất và cách thức đóng chai sản phẩm. Đồng chí Lý Thái Hưng - Thành ủy viên, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng TP. Hà Tiên cho biết: “Để thuận lợi cho phát triển nghề sản xuất rượu nho rừng và ủ mật nho rừng, phòng đang phối hợp với Hội Nông dân TP. Hà Tiên hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận, quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, khảo sát, dần hướng tới xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm rượu nho rừng và mật nho rừng cho TP. Hà Tiên”.
Theo đồng chí Lý Thái Hưng, nhu cầu tiêu dùng rượu nho rừng và mật nho rừng tăng lên dẫn đến nguồn khai thác nguyên liệu nho rừng tăng. Do loài cây này mọc tự nhiên tại các đồi núi trên địa bàn TP. Hà Tiên chỉ cho trái theo mùa nên không đủ nguồn cung. Do đó hướng lâu dài, Phòng Kinh tế và Hạ tầng TP. Hà Tiên tham mưu Ủy ban nhân dân TP. Hà Tiên quy hoạch vùng trồng nguyên liệu mới dọc theo các chân núi. Như vậy sẽ giúp ổn định nguồn nguyên liệu và tập hợp hộ gia đình có nhu cầu phát triển nghề sản xuất rượu nho rừng và mật nho rừng vào tổ liên kết sản xuất. Khi đó, địa phương sẽ đủ điều kiện để xây dựng và phát triển thương hiệu rượu nho rừng Hà Tiên. Tuy nhiên, cái khó của TP. Hà Tiên khi triển khai mô hình này là thiếu nước vào mùa khô, vì thế cần đầu tư lâu dài về nguồn nước tưới trong suốt mùa khô để phục vụ sản xuất bền vững.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: