15/08/2023 14:36
Quê gốc miền Trung, chị Phương lập nghiệp và sinh sống tại ấp Thạnh Phong, xã Đông Thạnh. Trước đây chị Phương may quần áo cho người dân ở địa phương. Năm 2018, chị nhận được đơn đặt hàng từ công ty, xí nghiệp may ở TP. Hồ Chí Minh nên mở cơ sở may gia công tại nhà.
Chị Phương chia sẻ: “Tôi mở xưởng gia công vừa để phát triển kinh tế gia đình vừa tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, nhất là chị em phụ nữ có thời gian nhàn rỗi và không có điều kiện đi làm ăn xa”.
Ban đầu chị Phương đầu tư gần 50 triệu đồng để mua sắm máy may, máy vắt sổ… và thuê nhân công. Mỗi tháng hai lần, các công ty, xí nghiệp sẽ giao vải và mẫu mã để các thành viên trong tổ gia công cắt, may hoàn thiện sản phẩm.
Hàng tháng, cơ sở của chị Phương may khoảng 15.000 sản phẩm quần áo trẻ em, mỗi sản phẩm hoàn chỉnh sẽ được trả công 4.000 đồng, trừ chi phí chị Phương thu về lợi nhuận gần 6 triệu đồng/tháng.
“Hiện cơ sở may của tôi bố trí 17 máy may, tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động, góp phần giúp chị em phụ nữ địa phương nâng cao thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Thu nhập từng người lao động trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng”, chị Phương cho biết.
Cơ sở may của chị Nguyễn Thị Bích Phương hiện giải quyết việc làm cho 11 lao động nữ.
Chị Võ Ngọc Thu, ngụ ấp Thạnh Phong, xã Đông Thạnh cho biết: “Có kinh nghiệm từng làm thợ may, tôi đảm nhận công đoạn ráp và may, hàng ngày tôi làm từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều tại cơ sở. Mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 5 triệu đồng”.
“Được chị Phương đào tạo và hướng dẫn cách làm nên từ một người không biết gì về nghề may, sau đó tôi đã thạo việc và có thể may hoàn chỉnh sản phẩm. So với lúc trước chỉ ở nhà làm nội trợ thì số tiền kiếm được giúp tôi chi tiêu thoải mái hơn và có tiền cho con cái ăn học”, chị Lê Thị Như, ngụ ấp Thạnh Phong, xã Đông Thạnh nói.
Theo chị Phương, lúc mới thành lập, trung bình mỗi tháng cơ sở của chị nhận gia công 3.000-5.000 sản phẩm, hiện nay đã nâng lên 15.000 sản phẩm. Tuy nhiên, cơ sở của chị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt hàng của công ty, xí nghiệp là sản xuất từ 20.000 sản phẩm trở lên mỗi tháng.
Vì vậy, chị Phương đang cố gắng đầu tư thêm máy móc, thiết bị, thu hút thêm lao động, tạo việc làm tại chỗ cho chị em phụ nữ, góp phần thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng chí Võ Thị Ngọc Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thạnh cho biết: “Xưởng may gia công của chị Phương làm việc rất hiệu quả, giúp giải quyết việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ địa phương. Các cấp hội phụ nữ luôn tạo mọi điều kiện để giúp đỡ chị Phương về nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, máy móc cũng như đầu ra sản phẩm, giúp chị Phương mở rộng quy mô sản xuất, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương”.
Bài và ảnh: ÚT CHUYỀN
(KGO) - Những năm qua, đời sống đồng bào Chăm tại huyện An Biên (Kiên Giang) thay đổi tích cực. Người dân phát huy tinh thần đoàn kết và hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế gia đình. Đồng bào Chăm đã nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện đời sống, giảm nghèo và góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Tổng số lượt truy cập: