05/01/2023 19:08
Dừa thư pháp với lời chúc vạn sự như ý do chị Tuyết Phượng làm.
Đến nhà chị Phượng những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 mới cảm nhận sự tất bật, rộn ràng khi các thành viên trong gia đình mỗi người một việc, để hoàn thành dừa thư pháp kịp giao cho khách dịp tết. Chị Phượng chia sẻ: “Khi cùng con trai xem cách trang trí nhà dịp tết trên YouTube, tôi bị thu hút bởi clip vẽ thư pháp trên trái cây của thầy giáo trẻ, vốn đam mê với hội họa nên tôi làm thử. Tôi mua dừa về và viết các chữ phúc, lộc, thọ, sau đó chưng trên bàn thờ. Hàng xóm đến chơi và thích tác phẩm của tôi nên mua, từ đó tôi nói cha mẹ cùng tôi làm để bán”.
Chị Phượng vẽ chữ và họa tiết lên trái dừa.
Một trái dừa thư pháp được làm từ 1-2 ngày và trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn những trái dừa tròn và đầy đặn. Sau đó sẽ sơn màu, phác họa chữ, mang đi phơi nắng và cuối cùng là hoàn chỉnh phần chữ thư pháp, trang trí cho sinh động, đẹp mắt. Nghe thì đơn giản nhưng khi làm nhiều khó khăn. Sản phẩm đầu tiên của chị Phượng không bán được do chị khắc chữ quá sâu nên không lên màu chuẩn và đẹp theo ý khách hàng. Sản phẩm không bảo quản được lâu; để khắc phục chị Phượng dùng màu arylic và keo sữa để màu đẹp, giữ lâu, phần vỏ dừa phải đánh sần để dễ tạo nét chữ. Các tác phẩm của chị Phượng có thể chưng được hơn 1 tháng nên khách hàng rất ưng ý.
Cha mẹ của chị Phượng cũng tham gia làm dừa thư pháp. Bà Trương Thị Ảnh - mẹ chị Phượng tìm vựa trong và ngoài tỉnh để đặt hàng trước vì dịp tết dừa tăng giá và khó mua. “Tôi giúp con gái mua dừa. Trước tết gần 2 tháng, tôi đến các vựa trái cây trong tỉnh và tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ để tìm hàng và đặt cọc. Khi họ giao tôi kiểm tra và chọn những trái tươi, tròn và đẹp tôi đưa cho con viết thư pháp. Tôi ghi thông tin khách đặt hàng, chốt giá. Dù vất vả nhưng tôi vui với công việc này”, bà Ảnh nói.
Ông Nguyễn Văn Hùng - cha chị Phượng phụ trách đóng gói và giao hàng cho khách. Ông Hùng kể: “Gia đình tôi bắt đầu nhận đơn hàng từ đầu tháng 11 âm lịch, đến ngày 15-12 âm lịch bắt đầu thực hiện vì nếu làm quá sớm dừa bị héo. Tôi phơi và canh đủ nắng, đóng gói sản phẩm và giao cho khách, nếu hàng gấp tôi giúp con tô màu và trang trí dừa. Công việc này không chỉ giúp gia đình tôi có thu nhập dịp tết mà còn là cơ hội để các thành viên gắn kết nhau hơn”.
Tết năm nay chị Phượng nhận làm hơn 180 cặp dừa thư pháp, giá từ 250.000-300.000 đồng/cặp, thu nhập hơn 50 triệu đồng. Hiện còn nhiều khách đặt hàng mà chị Phượng không nhận đơn vì sợ làm không kịp. Các họa tiết trên trái dừa đa dạng, không chỉ là những câu chúc vạn sự như ý, tiền tài dồi dào, sống lâu trăm tuổi mà còn là họa tiết may mắn như đồng tiền, bao lì xì, pháo hoa, hoa mai, hoa đào theo yêu cầu của khách hàng.
Bài và ảnh: TƯỜNG VI
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: