26/03/2024 10:17
TĂNG HƠN 383 LẦN VỐN
Theo Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc Nguyễn Thanh Tùng, sau khi thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg, tình hình kinh tế - xã hội Phú Quốc chuyển biến nhanh từ một huyện thuần nông đến nay trở thành đô thị loại II. Hiện thành phố có 4.404 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 142.000 tỷ đồng, tăng 17 lần số doanh nghiệp thành lập và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so năm 2004.
Khu Kinh tế Phú Quốc thu hút 321 dự án đầu tư, với diện tích sử dụng đất khoảng 10.652ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội trên địa bàn TP. Phú Quốc liên tục tăng qua các năm. Nếu năm 2004 là 310 tỷ đồng thì đến cuối năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng, tăng gần 64 lần.
Ông Trần Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty Hưng Phát thuộc Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho biết: “Phú Quốc luôn là điểm đến được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn vì cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, hạ tầng, dịch vụ công... Đặc biệt, cơ sở hạ tầng đồng bộ như sân bay, cảng biển, đường thủy, đường bộ thuận tiện”.
Phường An Thới (TP. Phú Quốc) là một trong những khu vực thu hút nhiều nhà đầu tư.
Để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, bên cạnh việc tích cực triển khai hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, việc đầu tư hạ tầng thiết yếu cũng như cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư thuận lợi luôn được các cấp chính quyền quan tâm, chú trọng. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép tất cả các dự án đầu tư vào Phú Quốc được hưởng ưu đãi đối với địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Phú Quốc là dự án thuộc ngành, nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư; cùng chính sách ưu đãi đối với người lao động có trình độ cao đến làm việc tại Phú Quốc, chính sách huy động vốn, chính sách nhập cảnh, xuất cảnh thuận lợi đối với người nước ngoài... góp phần thay đổi TP. Phú Quốc.
Hiện ở TP. Phú Quốc những dự án đi vào hoạt động có sản phẩm mang tầm cỡ khu vực và quốc tế như hệ thống cáp treo tại Hòn Thơm, quần thể vui chơi, giải trí Grand World Phú Quốc; khu vui chơi, giải trí Sun World Hon Thom Nature Park; khu vui chơi, giải trí VinWonders; Vinpearl Safari Phú Quốc, JW Marriott Phú Quốc, Emerald Bay, Casino Phú Quốc… với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Park Hyatt, InterContinental, Novotel, Accor, Regen, Movenpick…
Ông Bùi Thành Trung - Chủ tịch Tập đoàn Sun Group vùng miền Nam cho biết: “Chúng tôi đầu tư nhiều vào nam đảo Phú Quốc, hy vọng các dự án ở bãi Sao, bãi Trường… sẽ tạo nên hệ sinh thái có đủ các thương hiệu lớn của thế giới. Các nhà đầu tư triển khai đồng bộ để xây dựng Phú Quốc phát triển”.
TẠO VIỆC LÀM
Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển CEO Phú Quốc Trần Trung Kết, hiện công ty đưa vào hoạt động 2 khách sạn, resort thương hiệu quốc tế 5 sao với quy mô hơn 1.400 phòng, tạo việc làm cho 1.000 lao động. “Chúng tôi góp phần giúp thay đổi diện mạo của Phú Quốc cũng như phát triển đa dạng các dịch vụ lưu trú, du lịch để Phú Quốc thành điểm đến cho du khách, đồng thời tạo việc làm cho nhiều người lao động địa phương”, ông Kết chia sẻ. Ngành du lịch, dịch vụ của Phú Quốc chiếm 70% trong cơ cấu trị giá sản xuất của thành phố và tạo việc làm cho 70% dân số trên đảo.
Bờ biển phía tây đảo Phú Quốc với hàng loạt doanh nghiệp đầu tư.
Hiện thị trường lao động tại các dự án của TP. Phú Quốc tăng trưởng tích cực, nhu cầu việc làm của người dân được giải quyết ổn định, thu nhập bình quân cao, xấp xỉ 5.000 đô la Mỹ/năm, tăng 16,2 lần so năm 2004, tương đương 162% so giai đoạn 2002-2004. Chất lượng cuộc sống của người dân nâng lên. Tổng số người lao động trong các khu dịch vụ, du lịch khoảng 45.000 người, trong đó có nhiều lao động nước ngoài là chuyên gia, có tay nghề, kỹ thuật cao.
Không riêng du lịch, TP. Phú Quốc triển khai cho thuê môi trường rừng với tổng số 27 dự án được chấp thuận chủ trương và triển khai thực hiện. Đến nay có 18 dự án với tổng diện tích 1.944,55ha đã triển khai thực hiện và đưa vào vận hành. Việc triển khai các dự án cho thuê môi trường rừng mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát huy giá trị của rừng trong khi lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu, góp phần đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch và bảo tồn các loài thực vật quý hiếm. Các dự án còn tăng nguồn thu cho các đơn vị chủ rừng và ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.
Thu ngân sách của TP. Phú Quốc năm 2023 đạt 7.812 tỷ đồng, chiếm 51,7% tổng thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang, tăng trên 113 lần so năm 2004. Đóng góp thu ngân sách của TP. Phú Quốc năm 2023 chiếm trên 5% tổng thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 0,35% thu ngân sách của cả nước, đóng góp gần 15% tổng thu ngân sách vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. 5 năm gần đây Phú Quốc không những tự chủ ngân sách từ nguồn thu mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh, thu ngân sách Phú Quốc còn tương đương với một vài tỉnh trong cả nước.
Bài và ảnh: TÂY HỒ - TÚ QUYÊN
(KGO) - Chiều 23-11, tại Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, lớp K6 Trường Tuyên huấn Trung ương II họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày ra trường (24/11/1984 - 24/11/2024).
Tổng số lượt truy cập: