25/03/2024 10:06
Năm 2021, Phú Quốc chính thức là thành phố - đô thị loại II trực thuộc tỉnh và là thành phố đảo đầu tiên của cả nước. Hiện Kiên Giang và TP. Phú Quốc tập trung nguồn lực để Phú Quốc đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn nâng cấp lên đô thị loại I trước năm 2025.
ĐỘT PHÁ TỪ GIAO THÔNG
Ông Phù Xí Khiếu (76 tuổi), ngụ ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, TP. Phú Quốc từng là tù binh tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc. May mắn thoát chết trở về sau năm 1973, ông ở lại Phú Quốc sinh sống đến nay. “Trước năm 2004, đường đi lại rất khó khăn. Từ trung tâm thị trấn Dương Đông (nay là phường) đến nhà tôi đi lại trên đường bằng đất đỏ, trời mưa là sình lầy…”, ông Khiếu nói. Con cháu của ông đến trường học trên những con đường đất đỏ mỗi ngày.
Sau năm 2004, khi thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg, đồng chí Văn Hà Phong - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: “Phú Quốc thay đổi rõ nét. Ngày xưa nói đến Phú Quốc không phải ai cũng biết. Đường từ đất liền đến Phú Quốc khó khăn nhưng giờ tốt lắm”.
Có thể nói, một trong những đột phá đầu tiên khi thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg bắt đầu từ đầu tư cho giao thông. Hệ thống giao thông đường bộ được tập trung đầu tư mạnh. Một số tuyến đường có quy mô đầu tư lớn như đường trục chính nam, bắc đảo Phú Quốc dài 51,5km, đường vòng quanh đảo dài 116,7km; đường trung tâm đoạn 1, đoạn 2, đoạn 3 khu Bãi Trường và các tuyến nhánh, đường cơ động phía bắc đảo dài 10,4km...
TP. Phú Quốc xã hội hóa xây dựng 175 tuyến đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng, sỏi đỏ. Mạng lưới đường bộ trên đảo có tổng chiều dài 220,48km. Các tuyến đường tỉnh 973, 975, 975B, 975C, 974 nối các xã, phường đến trung tâm thành phố rộng 9-25,5m giúp các phương tiện đi lại thuận tiện, dễ dàng. Đường liên xã, đường nông thôn được đầu tư, nâng cấp và làm mới, phần lớn được nhựa hóa, bê tông hóa. Toàn bộ cầu qua các sông, rạch được kiên cố hóa bằng kết cấu bê tông cốt thép.
Một góc phường Dương Đông, TP. Phú Quốc vào ban đêm.
Song song với đầu tư đường bộ, TP. Phú Quốc tập trung đầu tư đường hàng không và đường biển. Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có tổng vốn đầu tư 16.206 tỷ đồng đưa vào khai thác cuối năm 2012, công suất thiết kế phục vụ 4 triệu lượt khách/năm.
Cảng giúp kết nối đường hàng không từ Phú Quốc đến các thành phố trong nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đà Lạt, Thanh Hóa, Vinh. Hàng loạt các đường bay quốc tế đi và đến Phú Quốc sau đó được mở như Trung Quốc, Hồng Kông, Nga, Anh, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Campuchia, Thụy Điển, Italia… Hiện Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc chuẩn bị mở đường băng thứ hai nâng tổng công suất đến năm 2030 lên 10 triệu lượt hành khách/năm.
Ngoài đường hàng không, hạ tầng đường biển được đầu tư. Các cảng An Thới, Dương Đông, Thổ Châu được đầu tư hoàn chỉnh, trở thành điểm kết nối khách từ đất liền đến Phú Quốc. Hiện TP. Phú Quốc có các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo có tàu hoạt động vận tải hành khách như Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc, Nam Du - Phú Quốc, Thổ Châu - Phú Quốc.
HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng đánh giá: “TP. Phú Quốc là một trong những địa phương nhận được nhiều sự quan tâm từ Trung ương, tỉnh, tập trung các nguồn lực, cơ chế, chính sách để xây dựng kết cấu hạ tầng như giao thông, điện, nước, giáo dục, y tế… để Phú Quốc có được diện mạo như hôm nay”.
Đáng chú ý năm 2014, Phú Quốc chính thức hòa lưới điện quốc gia với dự án cáp ngầm 110KV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc có vốn đầu tư trên 2.345 tỷ đồng. Sự kiện này giúp giảm chi phí xây dựng, chi phí vận hành của nhà đầu tư và chi phí sinh hoạt của người dân trên đảo. Tuyến đường điện thứ hai 220KV Kiên Bình - Phú Quốc với tổng mức đầu tư 2.212 tỷ đồng vận hành truyền tải điện tháng 10-2022, đảm bảo nguồn cung điện cho Phú Quốc đến năm 2040.
Hiện số hộ dùng điện lưới quốc gia trong toàn thành phố đạt 100%, điện năng tiêu thụ khu vực nội thị đạt trên 492 triệu kwh/năm. Hệ thống chiếu sáng được quan tâm đầu tư xây dựng tốt, đảm bảo cảnh quan đô thị và an toàn giao thông. Theo thống kê, tỷ lệ đường phố chính khu vực nội thị được chiếu sáng 100%.
Không chỉ đầu tư hạ tầng đường, điện, hệ thống giáo dục và đào tạo của TP. Phú Quốc được đầu tư với đầy đủ cấp học và trình độ đào tạo. Nếu như năm 2004 thành phố chỉ có 2 trường mẫu giáo và 24 trường phổ thông thì hiện thành phố có 106 trường học các cấp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, cùng với các trường đào tạo nghề cho người lao động địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Phù Tal, ngụ xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc nói: “Giờ người dân đi lại thuận tiện hơn trước. Ngày xưa con em đi học rất xa, phải vào đất liền, rất cách trở. Giờ học sinh có thể học ở trên đảo, có trường nghề cho con em địa phương học, sau đó các em có thể tìm việc làm”.
Sau 20 năm, mọi mặt đời sống người dân thay đổi rõ nét. Hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh. Thành phố có trung tâm y tế và 9 trạm y tế ở 9 xã, phường đạt chất lượng, có y, bác sĩ phục vụ, y tế chất lượng cao như Bệnh viện Quốc tế Vinmec, các phòng khám đa khoa tiêu chuẩn cũng có mặt ở Phú Quốc. Thành phố có hồ chứa nước Dương Đông với dung tích 5,9 triệu m3. Hiện hồ đang vận hành cung cấp nước thô với công suất trung bình 24.000m3/ngày đêm, đảm bảo nước sạch cho người dân. Phú Quốc hiện có tỷ lệ nhà ở kiên cố khu vực nội thị đạt trên 70%...
Đến nay, hạ tầng quan trọng của Phú Quốc đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp như hệ thống đường bộ, hàng không, cảng biển, hệ thống cấp nước... Đây là tiền đề quan trọng trong việc phát triển toàn diện, định vị vai trò và vị thế của Phú Quốc đối với cả nước và khu vực.
Bài và ảnh: TÂY HỒ - TÚ QUYÊN
(KGO) - Chiều 23-11, tại Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, lớp K6 Trường Tuyên huấn Trung ương II họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày ra trường (24/11/1984 - 24/11/2024).
Tổng số lượt truy cập: