21/01/2021 10:40
Ông Năm vốn biết rõ vùng Miệt Thứ nhiều sông ngòi, kênh, rạch nên từ năm 2010, khi nhà hảo tâm hỗ trợ tiền xây cầu giao thông nông thôn trên địa bàn, ông tham gia ngày công lao động. Thời gian đầu ông vác cây, bê vật liệu, kê giàn giáo… Sau đó, ông đảm nhận việc trộn hồ. Thời gian này, ông học kỹ thuật xây của các thợ chính.
Tự tin với kỹ thuật xây cầu mình tích lũy, năm 2013, ông Năm nhận hỗ trợ kỹ thuật xây cầu giao thông nông thôn miễn phí tại địa phương. Ông Năm Rô cho biết: “Do các đội xây cầu từ thiện nơi khác thỉnh thoảng mới về, trong khi nhu cầu xây cầu tại địa phương lớn, từ đó tôi nhận hỗ trợ phần kỹ thuật xây cầu tại địa phương với mong muốn xây nhiều cầu giao thông nông thôn, giúp người dân và các cháu nhỏ đi lại thuận tiện hơn”.
Năm 2013, ông Năm hoàn thành cây cầu đầu tiên tại quê hương mình ở ấp Minh Giồng. Đến nay, cây cầu còn sử dụng tốt và được ông mở rộng thêm để phục vụ xe tải nhỏ chở thức ăn cho tôm.
Sau thành công của cây cầu đầu tiên, nhiều địa phương biết đến ông Năm và nhờ ông hỗ trợ xây cầu nhiều hơn. Hàng loạt cây cầu giao thông nông thôn ở huyện An Minh có sự hỗ trợ của ông Năm được hoàn thành, góp phần nối liền đôi bờ cách trở.
Người dân, trẻ con không cần phải lụy đò như trước… Tiếng lành đồn xa, ông Năm đi xây cầu giao thông nông thôn từ thiện nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Đến nay, ông xây trên 70 cây cầu ở các huyện như An Biên, Hòn Đất, Long Mỹ (Hậu Giang), U Minh (Cà Mau), Tri Tôn (An Giang)…
Cầu giao thông nông thôn tại ấp Cản Đất, xã Mỹ Thuận (Hòn Đất) đưa vào sử dụng đầu năm 2021 do ông Nguyễn Văn Năm hỗ trợ xây dựng.
Theo ông Năm, quá trình xây cầu, ông nghiên cứu cải tiến nhiều quy trình kỹ thuật đảm bảo cầu chất lượng, an toàn, chi phí phù hợp. “Ngày trước khi xây cầu giao thông nông thôn dài 50m, ngang 3m phải xây khoảng 1,5 tháng mới xong, đến nay chỉ xây 1 tháng là xong”, ông Năm chia sẻ.
Theo ông Năm, quá trình xây cầu từ thiện, ông được sự đồng hành của các thành viên trong nhóm, khi ông lên tiếng, các thành viên sẵn sàng tham gia bất kể gần xa. “Quan trọng nhất đối với tôi là sự cảm thông, ủng hộ của gia đình. Vợ con tôi bảo công việc nuôi tôm ở nhà vợ con lo được kêu tôi an tâm làm việc. Tôi vui khi gia đình hiểu, chia sẻ với công việc của tôi”, ông Năm nói.
Kinh nghiệm khi xây cầu từ thiện của ông Năm Rô là không liên quan tiền hỗ trợ xây cầu của nhà hảo tâm. Ông kê vật tư cần mua để địa phương mua. Vì vậy, gần chục năm xây cầu, ông chưa từng gặp chuyện không hay liên quan đến tài chính. Nhiều khi thiếu kinh phí xây cầu, ông còn vận động gia đình đóng góp tiền.
Đồng chí Phạm Thị Cẩm Hà - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện An Minh cho biết: “Anh Năm có nhiều năm xây cầu giao thông nông thôn miễn phí trong và ngoài địa phương. Công việc của anh thầm lặng nhưng góp phần không nhỏ trong việc chuẩn hóa giao thông nông thôn, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Nhờ các cây cầu được xây dựng kiên cố, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”.
Ông Năm Rô vừa hoàn thành xong cây cầu giao thông nông thôn dài 30m, ngang 3,5m tại ấp Cản Đất, xã Mỹ Thuận (Hòn Đất). Hiện ông đang xây 2 cầu giao thông nông thôn tại huyện Tri Tôn (An Giang). “Tôi xây cầu từ thiện với chú Năm hơn 5 năm qua. Thời gian đầu, tôi đóng góp ngày công lao động, thấy việc làm của chú ý nghĩa nên tôi theo chú xây cầu đến nay. Khi xây xong mỗi cây cầu, nhìn các cháu học sinh, bà con đi trên cây cầu mình làm, tôi vui, từ đó không thấy mệt”, anh Nguyễn Văn Tây - người tham gia xây cầu từ thiện cùng ông Năm Rô nói.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Ngày 24-11, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang tổ chức khởi công xây dựng 2 cầu và khánh thành 1 cầu giao thông nông thôn tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất.
Tổng số lượt truy cập: