21/05/2021 16:56
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ HẠN MẶN
Rút kinh nghiệm từ thiệt hại do hạn mặn gây ra mùa khô 2015-2016, Kiên Giang chủ động ứng phó với hạn mặn trong mùa khô 2020-2021. Mùa khô 2020-2021 được dự báo diễn ra gay gắt, mức độ tương đương đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016.
Với công tác dự báo chính xác của cơ quan khí tượng thủy văn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống phát sinh trong mùa khô. Thành công lớn nhất của công tác chống hạn mặn vừa qua đó là tỉnh thực hiện tốt giải pháp công trình thông qua việc vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi ngăn mặn giữ ngọt trên toàn tỉnh.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương, địa bàn huyện Giang Thành, TP. Rạch Giá, ven sông Cái Bé (Châu Thành), vùng U Minh Thượng, dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No tổng số 107 cống ngăn mặn, đắp 184 đập tạm, đảm bảo an toàn cho sản xuất và nước sinh hoạt của nhân dân.
Đặc biệt, tỉnh kịp thời đưa vào vận hành cống Kênh Nhánh và cống rạch Tà Niên, đảm bảo việc kiểm soát mặn xâm nhập, điều tiết giữ nước ngọt ổn định cho Nhà máy nước Rạch Giá và các vùng lân cận. Tháng 2-2021, cống Cái Bé được đưa vào vận hành, toàn bộ diện tích lúa và hoa màu của khu vực thượng lưu sông Cái Bé thuộc hai huyện Châu Thành và Giồng Riềng không bị đe dọa bởi mặn xâm nhập.
Bên cạnh giải pháp công trình, ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân với lịch thời vụ gieo sạ sớm để tránh tình trạng thiếu nước cuối vụ, nhờ vậy, vụ đông xuân năm nay, Kiên Giang đạt thắng lợi toàn diện cả về sản lượng và năng suất, sản lượng lúa đạt trên 2,1 triệu tấn, không có diện tích lúa bị thiệt hại bởi hạn mặn.
Anh Nguyễn Chí Hiếu, ngụ ấp Bình Thuận, xã Bình Sơn (Hòn Đất) cho biết: “Năm nay, nhờ ban lãnh đạo ấp thông báo kịp thời, thường xuyên về tình hình hạn mặn, thời gian đóng, mở cống, tôi chủ động bơm tưới, không gặp tình trạng bơm nhầm nước mặn làm ảnh hưởng tới sản xuất lúa”.
NỖ LỰC CHỐNG SẠT LỞ
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trở nên nghiêm trọng hơn, có xu hướng tăng cả về phạm vi và quy mô. Mỗi năm, sóng biển cuốn trôi hàng chục ha rừng phòng hộ ven biển, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh của hàng trăm hộ dân sống ven rừng phòng hộ. Theo ngành nông nghiệp, hiện chiều dài đê biển bị sạt lở khoảng 85,5km; trong đó huyện Hòn Đất 25km, huyện An Biên và An Minh khoảng 52km, còn lại thuộc huyện Kiên Lương và các xã đảo.
Công nhân thi công khắc phục sạt lở đoạn đê biển thuộc ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang).
Mỗi năm, kinh phí ngân sách tỉnh và hỗ trợ từ Trung ương, Kiên Giang tích cực triển khai dự án khắc phục sạt lở đê biển tại địa bàn sạt lở nghiêm trọng, trong đó, khu vực đê biển An Biên - An Minh chịu ảnh hưởng nặng nề của sạt lở, phần lớn diện tích đai rừng phòng hộ đã mất.
Mùa mưa, tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn. Trước tình hình cấp bách cần phải có giải pháp khắc phục khẩn cấp, đầu năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức khảo sát, tiến hành đưa giải pháp khắc phục đoạn đê biển này; tổ chức di dời các hộ dân sống trên đê quốc phòng đến nơi an toàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết: “Nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng sạt lở, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai 8 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp với tổng chiều dài 34,7km, từ nguồn vốn của ngân sách địa phương và Trung ương hỗ trợ.
Nguồn kinh phí để khắc phục sạt lở toàn tuyến đê biển lớn, trong khi nguồn lực của tỉnh hạn chế. Hiện tỉnh ta còn 50,8km chiều dài bờ biển bị sạt lở chưa có vốn để đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ biển. Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh thực hiện giải pháp chống sạt lở đê biển, đảm bảo ổn định sản xuất và dân sinh cho khu vực ven biển”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: