21/06/2021 18:57
YÊU NGHỀ
Nhiều lần đi công tác cùng hai phóng viên Thu Hương, Vũ Trâm, tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, yêu nghề của họ. Hai phóng viên không ngại lội ruộng để có góc quay phản ánh chân thực về sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân... Tôi nghe lãnh đạo địa phương, các cô, bác nông dân khen hai bạn. Tôi nhớ lời bác nông dân: “Hai cháu Hương và Trâm có trình độ mà không chọn nghề ngồi văn phòng mà chọn nghề báo, vác máy quay lội ruộng, lội đồng nên chắc hai cháu phải yêu nghề lắm. Thấy hai cháu không ngại vất vả đi làm phóng sự, tôi rất thương”.
Phóng viên Thu Hương tên thật là Nguyễn Thị Hương, ngụ xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất). Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngữ văn, Hương vào làm ở Đài Truyền thanh Hòn Đất, nay là Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Hòn Đất. Hương cho biết: “Lúc mới đi làm tôi chưa có kiến thức nghiệp vụ chuyên môn về viết tin, bài, quay phim nên mọi thứ rất lạ với tôi. Vừa làm vừa học hỏi, từ từ tôi làm quen, yêu nghề lúc nào không hay. Bây giờ tôi đi quay, đi viết không chỉ vì mưu sinh mà còn là đam mê”.
10 năm vào nghề, Hương vẫn nhớ như in ngày đầu được giao viết tin. Được lãnh đạo giao cho văn bản 14 trang giấy, phải mất 4 tiếng Hương mới viết thành tin, rồi sử dụng máy quay phim với Hương cũng là điều mới lạ. Bằng đam mê, Hương dần quay phim, viết tin, bài phát thanh, truyền hình và cộng tác với báo in, báo điện tử.
Từ khi học lớp 12, Trâm yêu nghề báo và muốn đi theo con đường này. Trâm theo học chuyên ngành báo chí Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2 (TP. Hồ Chí Minh). Sau đó, Trâm tiếp tục học liên thông đại học chuyên ngành truyền thông đa phương tiện - ngữ văn - truyền thông đại chúng. Tháng 5-2015, Trâm về công tác tại Đài Truyền thanh Hòn Đất đến nay.
KHI NỮ PHÓNG VIÊN VÁC MÁY QUAY
Công việc quay phim thường được giao cho phóng viên nam, phóng viên nữ thường thu thập thông tin viết tin, bài, nhưng Hương và Trâm đảm đương cùng lúc nhiệm vụ quay phim và thu thập thông tin. “Đi tác nghiệp một mình có nhiều cái khó, nhất là đi đường xa, đường ven biển, tôi tranh thủ vừa quay hình vừa phỏng vấn, thu thập tư liệu viết bài. Có khi quay phim một lần không đủ hình, tôi phải hẹn quay thêm một, thậm chí quay thêm hai lần, dù vậy nhưng sản phẩm hoàn thiện là tôi mừng lắm. Do vừa quay vừa viết nên sản phẩm đôi lúc còn chưa đầy đủ như mong muốn nên Trâm cố gắng để thực hiện tác phẩm chỉn chu hơn”, Trâm chia sẻ.
Hai phóng viên Thu Hương (bên phải) và Vũ Trâm thao tác máy quay phim.
Gắn bó với nghề từ năm 2015 đến nay, đề tài khai thác của Trâm khá đa dạng. Trâm có nhiều bài viết phản ánh bất cập, khó khăn của đời sống. Trâm có nhiều phóng sự, bài phản ánh truyền hình về vấn đề ô nhiễm môi trường, tình trạng đường giao thông xuống cấp… Trâm nói: “Tôi thích đi cơ sở viết bài, viết tin, phản ánh đời sống nhân dân để phần nào nói lên tiếng nói của người dân về khó khăn của họ, qua đó tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tìm cách giải quyết”.
Hương đam mê đề tài sản xuất nông nghiệp, kinh tế biển, có nhiều tác phẩm phản ánh về vấn đề sản xuất của huyện từ thành quả trong sản xuất đến vấn đề khó khăn của người dân như khi gặp lũ lụt, dịch bệnh... Hương kể: “Đi tác nghiệp một mình nên tôi phải vừa đặt máy quay vừa phỏng vấn nhân vật, vì vậy nhiều khi phỏng vấn bị hỏng như sự cố bị tụt chân máy quay. Nhờ các cô, chú ở cơ sở thương, hỗ trợ nhiệt tình nên tôi hoàn thành sản phẩm”.
Ngoài làm phóng viên, Hương còn biên tập chương trình phát thanh và là giọng đọc phát thanh chính của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Hòn Đất.
Nói về Hương và Trâm, đồng chí Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Hòn Đất nhận xét: “Đồng chí Hương và Trâm nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ngoài việc bám sát chỉ đạo các cấp, hai đồng chí tìm tòi, chọn đề tài để phản ánh kịp thời tình hình thời sự trên địa bàn huyện. Cùng với đó, hai đồng chí sẵn sàng chia sẻ và đảm nhận thêm một số nhiệm vụ của đơn vị”.
Qua những lần tác nghiệp gặp những mảnh đời khó khăn, hoàn cảnh cơ nhỡ, Thu Hương vận động nhà hảo tâm đóng góp hơn 80 triệu đồng, 2 tấn gạo và mì gói… để hỗ trợ các hoàn cảnh này. Năm 2019, Hương được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích đột xuất, xuất sắc trong vận động đóng góp thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Riêng Trâm với tác phẩm “Người làm tốt công tác hòa giải” đoạt giải A cuộc thi viết về tấm gương “Dân vận khéo” của tỉnh. |
Dù biết phóng viên đi sớm về trễ, đi mưa về nắng là chuyện đặc thù của nghề nhưng với Hương và Trâm khi vừa vác máy quay, chân máy quay nặng khoảng 4kg để vừa quay hình ảnh vừa thu thập tư liệu viết bài là cả sự nỗ lực, bản lĩnh với nghề. Hai nữ phóng viên xông xáo để không bỏ lỡ hình ảnh, nỗ lực để tác phẩm ngày càng hoàn thiện phục vụ khán, thính giả.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: