19/05/2021 14:32
Tốt nghiệp ngành y sĩ, Trường Trung cấp Y Dược Mekong Cần thơ (TP. Cần Thơ), chị Đặng Thị Mỹ Linh - nhân viên chăm sóc Khoa Trẻ, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang vượt qua nhiều thử thách để làm công việc yêu thích. Chị Linh kể: “Thời sinh viên, tôi có nguyện vọng gắn bó với công việc chăm sóc, nuôi dưỡng người yếu thế, trẻ mồ côi. Khi hay tin Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tuyển dụng, tôi đăng ký ứng tuyển. Ban đầu, gia đình tôi phản đối nhưng tôi cố gắng thuyết phục, giải thích, cuối cùng tôi được làm công việc mình mong muốn”.
Vào ca trực, chị Linh quản lý 15 trẻ, trong đó có 2 trẻ bị bệnh thiểu não, 4 trẻ sơ sinh và một trẻ đang tuổi đi học. Chị Linh chăm sóc các em ân cần, xem các em như con mình. Đáp lại tình cảm của chị là ánh mắt trìu mến và tiếng gọi “mẹ” thân thương của các em. Chị Linh chia sẻ: “Để làm tốt công việc này ngoài trình độ chuyên môn điều cần hơn cả là tình yêu thương và trách nhiệm với các con. Tôi chăm sóc các con như người thân trong gia đình và cố gắng để các con cảm nhận được tình cảm của người mẹ”.
Tại Khoa Chăm sóc bệnh nhân tâm thần, mỗi ca trực có 4 nhân viên quản lý hơn 90 bệnh nhân tâm thần. Mỗi ngày, nhân viên thức lúc 4 giờ 30 phút để vệ sinh cá nhân cho các đối tượng, sau đó hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục, ăn uống, chăm sóc sức khỏe... Nếu có đối tượng bị bệnh nhập viện thì 4 nhân viên phải luân phiên đi nuôi bệnh, khi đó công việc càng áp lực hơn.
Chị Đặng Thị Mỹ Linh - nhân viên chăm sóc Khoa Trẻ, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang chơi đùa cùng trẻ.
Sau một thời gian tham gia công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang, anh Danh Thanh Ngà - tốt nghiệp Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) quen với việc chăm sóc người bệnh tâm thần. Theo anh Ngà, bệnh nhân tâm thần khi lên cơn thường có biểu hiện như làm hại bản thân, khóc, la, hay đánh người vì vậy nhân viên phải canh chừng, nếu người bệnh lên cơn phải khống chế, xử lý và đưa vào phòng cách ly. “Chăm sóc người bệnh tâm thần phải có tình thương, lòng bao dung và quan trọng là tâm lý vững vàng. Mỗi lần bệnh nhân tâm thần lên cơn, tôi thương bệnh nhân hơn”, anh Ngà cho biết.
Đồng chí Phan Đình Sáu - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Những người làm việc lâu dài tại trung tâm là sự cống hiến, hy sinh, đáng được ghi nhận. Một số bạn trẻ từ 22 - 33 tuổi được đánh giá cao về chuyên môn và đạo đức. Thực tế có nhiều công việc mưu sinh thu nhập cao và có cơ hội thăng tiến hơn nhưng với lòng thương người, tinh thần sẻ chia, nhiều người gắn bó với công việc vất vả này”.
Chị Đặng Thị Mỹ Linh - nhân viên chăm sóc Khoa Trẻ, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang cho trẻ ăn.
Tiêu chuẩn chăm sóc đối tượng bảo trợ có yêu cầu nhất định về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp vì trung tâm có nhiều đối tượng khiếm khuyết về cơ thể, trí tuệ hay mắc bệnh lý mãn tính, nhiều trường hợp người khuyết tật nằm tại chỗ đòi hỏi nhân viên phải chăm sóc. Công việc này có nhiều yếu tố tác động đến tâm lý, nhân viên chăm sóc cần có tình thương, tinh thần sẻ chia và tâm lý vững vàng mới có thể làm việc lâu dài. Môi trường làm việc ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang mang tính đặc thù nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng.
Đồng chí Sáu cho biết: “Có nhiều bạn tốt nghiệp đại học, cao đẳng đúng chuyên ngành công tác xã hội nhưng không thể làm việc được ở đây, có trường hợp làm được vài tuần thì nghỉ, thậm chí có trường hợp làm việc 1 ngày là không làm nữa. Năm 2020, Trung tâm tuyển gần 30 vị trí việc làm nhưng chỉ có 20 hồ sơ ứng tuyển, trong đó 1 trường hợp bỏ hồ sơ từ đầu và 4 trường hợp trúng tuyển nhưng không nhận việc...”.
Mặc dù điều kiện làm việc và thu nhập còn khó khăn nhưng nhiều cán bộ, nhân viên, nhất là những bạn trẻ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang vẫn tâm huyết, trách nhiệm với nghề, hết lòng chăm sóc, động viên người kém may mắn.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang có 237 đối tượng, trong đó có 44 trẻ mồ côi, 36 người khuyết tật, 39 người già neo đơn và 118 bệnh nhân tâm thần. Theo quyết định của Ủy ban nhân tỉnh Kiên Giang, trung tâm được giao 90 biên chế nhưng hiện chỉ tuyển được 74 biên chế. |
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: