27/09/2023 14:14
XUẤT PHÁT TỪ TÂM
Đang trông giữ 5 bệnh nhân tâm thần, anh Danh Thanh Ngà (34 tuổi) - nhân viên Khoa Tâm thần, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang phát hiện bệnh nhân Nguyễn Vũ Hảo nói nhảm, mắt lờ đờ. Anh Ngà đưa Hảo vào khu phòng riêng biệt, anh và nhân viên y tế cho uống thuốc để cắt cơn.
Anh Ngà cho biết: “Tôi nhiều lần can ngăn bệnh nhân tâm thần đánh nhau. Khi lên cơn, bệnh nhân thường cào cấu, khóc la hay đuổi đánh người khác. Nhân viên phải canh chừng, nếu bệnh nhân lên cơn phải nhanh chóng xử lý, đưa vào phòng cách ly”.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Ngà tham gia quân đội, sau đó học ngành y ở Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn rồi xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh làm việc hơn 3 năm nay.
Thời gian đầu chăm sóc bệnh nhân tâm thần, anh Ngà gặp nhiều khó khăn. Anh không giao tiếp được với bệnh nhân, không biết họ cần gì, không biết cách khống chế khi bệnh nhân lên cơn… Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, giờ anh Ngà thành thạo với công việc.
“Từng cái bắt tay, ca nước họ tạt vào mình lúc đùa giỡn là liều thuốc quý cho bệnh nhân đang chữa trị. Mình có thương cho số phận của họ thì mới làm việc được”, anh Ngà nói.
Nhân viên Khoa Chăm sóc trẻ cho các em bị khuyết tật nặng ăn cháo.
Chị Đặng Thị Mỹ Linh - nhân viên Khoa Chăm sóc trẻ em phải vượt qua nhiều thử thách để gắn bó với công việc. Yêu trẻ, tốt nghiệp y sĩ Trường Trung cấp Y Dược Mekong Cần Thơ, chị Linh xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang. “Biết tôi đăng ký ứng tuyển vào trung tâm gia đình tôi phản đối nhưng tôi cố gắng thuyết phục, giải thích và được gia đình chấp nhận”, chị Linh chia sẻ.
Hôm chúng tôi đến Khoa Chăm sóc trẻ em là lúc chị Linh vào ca trực. Khoa có 31 trẻ, chị và một đồng nghiệp quản lý 15 trẻ, trong đó có 2 trẻ bị bệnh thiểu não, 4 trẻ sơ sinh và 1 trẻ đang đi học. Với 2 trẻ bị thiểu não không tự ăn uống được, chị Linh phải bơm từng ít nước cháo loãng vào miệng các bé và chăm các bé khác.
Theo chị Linh, trẻ mồ côi lại khuyết tật rất đáng thương. Chị luôn xem các bé như người thân. Đáp lại sự quan tâm, chăm sóc là những ánh mắt trìu mến và tiếng gọi chị Linh bằng mẹ của các em biết nói dành cho chị. “Tôi chăm sóc các con như người thân và cố gắng để các con cảm nhận được tình cảm của người mẹ, bởi các con có số phận không may, có bé bệnh nặng có lẽ chỉ ở đây thời gian ngắn…”, chị Linh nói.
NGHỀ KÉN NGƯỜI
Tại Khoa Chăm sóc bệnh nhân tâm thần, mỗi ca trực có 4 nhân viên nhưng phải quản lý hơn 100 bệnh nhân. Mỗi ngày, nhân viên làm việc từ 4 giờ 30 phút để vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân, sau đó hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục, ăn uống, chăm sóc sức khỏe... Nếu có bệnh nhân bệnh nhập viện 4 nhân viên luân phiên nuôi bệnh. Khi một vài bệnh nhân cùng lên cơn một lúc, việc xử lý tình huống vô cùng khó khăn.
Hàng ngày, anh Danh Tân - nhân viên Khoa Chăm sóc người già, cùng 8 đồng nghiệp chia ra làm 2 ca trực, chăm sóc 39 cụ già neo đơn, nhiều cụ không tự chăm sóc được phải nhờ sự hỗ trợ của nhân viên. Theo anh Danh Tân, ai muốn trụ lại làm việc ở đây mỗi người đều phải xác định động cơ rõ ràng bởi 100% cụ đều không có người thân.
Chị Nguyễn Thị Thơ - Trưởng Khoa Chăm sóc trẻ em cho biết, mỗi trẻ vào trung tâm có hoàn cảnh rất đặc biệt. Có bé vừa sinh ra bị bỏ lại trong bệnh viện, có em bị đặt bên lề đường; nhiều em khuyết tật, nhẹ cân, chân tay rúm ró không thể tự di chuyển hay nói được. Vì thế các cô ở đây rất vất vả, không chỉ cho các con ăn, ngủ mà còn vệ sinh cho các con.
Theo chị Thơ, công việc vất vả nhưng đồng lương nhân viên rất thấp. Được biết, lương của anh Danh Tân 5,4 triệu đồng/tháng; anh Danh Thanh Ngà hơn 5,6 triệu đồng/tháng; chị Đặng Thị Mỹ Linh 6 triệu đồng/tháng, kể cả phụ cấp.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang có 235 đối tượng; trong đó có 31 trẻ mồ côi, 59 người khuyết tật, 39 người già neo đơn và 106 bệnh nhân tâm thần. Trung tâm được giao 105 biên chế nhưng hiện chỉ có 74 biên chế, còn nếu tính chỉ tiêu theo đối tượng thì trung tâm cần 150 biên chế. |
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang Phan Đình Sáu, nhân viên làm việc lâu dài tại đây là sự cống hiến, hy sinh lớn. Một số nhân viên trẻ mới vào làm được đánh giá cao về chuyên môn và đạo đức.
Có nhiều công việc khác thu nhập cao, có cơ hội thăng tiến hơn nhưng với tấm lòng nhân ái, tinh thần sẻ chia, nhiều nhân viên chấp nhận gắn bó với công việc vất vả này. Ngoài ra, môi trường làm việc ở trung tâm mang tính đặc thù nên gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng.
Nhiều bạn tốt nghiệp đại học, cao đẳng đúng chuyên ngành công tác xã hội nhưng không làm việc được ở đây, có trường hợp làm được vài tuần thì nghỉ, thậm chí có bạn chỉ làm việc được một ngày.
"Từ năm 2019-2022, trung tâm tuyển gần 30 vị trí nhưng chỉ có 20 hồ sơ ứng tuyển. Năm 2023, trung tâm tuyển tiếp nhưng chỉ có 7 hồ sơ ứng tuyển. Có một số nhân viên muốn công tác, trung tâm động viên nhưng sẽ không làm việc lâu dài”, đồng chí Phan Đình Sáu cho biết.
Bài và ảnh: LÊ VINH
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: