18/09/2020 17:44
Trên dòng Chắc Băng, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), ánh bình minh dần ló dạng, chợ nổi Vĩnh Thuận đã họp từ khi nào. Chủ của những “ngôi nhà di động” không nhớ rõ ở đây bao lâu, chỉ biết cứ theo mùa, họ chở nông sản từ nơi khác đến bán rồi lấy hàng từ đây đi bán cho nơi khác. Cứ như vậy, họ đi khắp vùng đồng bằng và những chiếc ghe trở thành nhà, thành “cần câu cơm” của họ qua bao thế hệ.
Ông Nguyễn Văn Tài (62 tuổi), quê tỉnh Hậu Giang cùng vợ sống trên ghe hơn 30 năm. Ông Tài chia sẻ: “Trước kia nhà tôi gần chợ nổi Cái Răng, gia đình làm nông nên hàng ngày tôi chở củ, quả ra chợ bán. Sau nhiều năm buôn bán, vợ chồng tôi quen với cuộc sống trên sông nên chuyển hẳn xuống ghe ở, chiếc ghe là ngôi nhà thứ hai của vợ chồng tôi”.
Chính trên “ngôi nhà di động”, vợ chồng ông Tài sinh ra hai người con, ông đặt tên con trai là Sông, con gái là Thủy. Ông nói, đời ông gắn với sông nước nên ông muốn đặt tên các con vậy để luôn nhớ về kỷ niệm đẹp của cuộc đời. Hai con của ông Tài đã lập gia đình nên trên chiếc ghe chỉ còn vợ chồng ông vui vầy cùng sông nước.
Vợ chồng ông Đào Văn Tý chuẩn bị ăn cơm trưa trên “ngôi nhà” của mình.
Theo ông Tài, cuộc sống trên sông đời sống vật chất không đầy đủ như trên bờ nhưng tình nghĩa thì lúc nào cũng đong đầy… Niềm vui nhất của đời thương hồ là sau một ngày mệt nhoài với công việc mua bán mưu sinh, khi chợ nổi đã thưa người, vài ba chiếc ghe cùng neo chung bến đậu, câu vọng cổ “Tình anh bán chiếu” cất lên, mọi người cùng thưởng trà, ngắm trăng và bầu bạn. Ở đó, có câu chuyện về con cái ở quê, dự định mua đất để có chỗ dựng vợ gả chồng cho con…
Nhiều thương hồ cố gắng kiếm tiền mua đất, xây nhà rồi sum vầy với con cháu, còn với ông Tài, dù gia đình ông có đất, có nhà trên bờ nhưng vợ chồng ông vẫn quyết tâm sống trên chiếc ghe của mình. Ông bảo đã quen với cuộc sống này rồi nên không thể bỏ được. “Có lần vợ chồng tôi lên bờ ở với con cháu cho vui nhưng được ít hôm chúng tôi lại xuống ghe vì nhớ sông nước, nhớ âm thanh của bạn hàng và cảm giác yên bình khi ngắm trăng thơ mộng”, ông Tài chia sẻ.
Anh Trần Hữu Thanh, ngụ xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) bén duyên với cuộc sống trên những dòng sông gần 20 năm. Anh Thanh rất cưng “ngôi nhà di động” của mình vì nhờ nó anh có được cuộc sống như hôm nay. “Ngôi nhà di động” của anh Thanh là chiếc ghe sắt có trọng tải gần 300 tấn, trị giá hàng tỷ đồng. Anh Thanh kể: “Trước đây nhà tôi nghèo, gia đình góp được ít tiền đóng ghe gỗ nhỏ chở vật liệu xây dựng thuê; có vốn tôi mua vật liệu chở đi các nơi bán lại kiếm lời. Gần 20 năm qua, tôi đổi ghe 5 lần, mỗi lần đổi ghe, tôi đều làm ăn được, từ đó cuộc sống gia đình tôi khá hơn”.
Các con anh Trần Hữu Thanh, ngụ xã Mỹ Lâm (Hòn Đất) chơi đùa trên ngôi nhà thứ hai của gia đình.
Màn đêm xuống. Ánh trăng soi dọc theo con kênh Rạch Giá - Hà Tiên. Hai bên thân ghe, tiếng sóng vỗ bì bạch. Khác với một thời gian khó, giờ trên ghe của anh Thanh có đầy đủ tiện nghi. Với anh Thanh, cuộc đời thương hồ nay đây mai đó không vất vả mà thú vị, giúp gia đình anh thu nhập khá. “Đi ghe giờ cũng như đi du lịch, tôi biết thêm nhiều nơi thú vị lắm”, anh Thanh nói.
Vắt vẻo chân trên chiếc ghe hàng trăm tấn, cảm giác mình thật nhỏ nhoi, tôi nhớ đến vợ chồng ông Đào Văn Tý làm nghề đặt lú theo cửa biển vùng Miệt Thứ. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, vợ chồng ông sống trên chiếc vỏ lãi composite dài gần chục mét và rộng hơn 1m. Ông Tý người miền Trung vào vùng châu thổ Cửu Long kiếm sống, mấy chục năm nay ông vẫn nghèo. Vợ chồng ông làm đủ nghề nhưng vận may không tới. Sau bao năm làm thuê, tích cóp được ít tiền, ông bà quyết định mua vỏ lãi cùng nhau xuôi ngược đến vùng Miệt Thứ mưu sinh. Ông Tý nói: “Dù cực nhọc, thiếu thốn đủ bề nhưng vợ chồng tôi có ngôi nhà là vui rồi”.
Hôm gặp tôi, vợ chồng ông đang chuẩn bị ăn cơm trưa sau khi bán ít tôm cá vừa đặt lú tối qua. Trên chiếc vỏ lãi chật hẹp ấy, ông Tý lặt rau, vợ ông kho cá, dù không ai nói với ai lời nào nhưng ánh mắt dịu dàng và nụ cười lúc nào cũng nhìn về phía nhau.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Ngày 24-11, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang tổ chức khởi công xây dựng 2 cầu và khánh thành 1 cầu giao thông nông thôn tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất.
Tổng số lượt truy cập: