30/05/2022 15:16
BÉN DUYÊN VỚI NGHỀ
Chị Trần Kim Ân - Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Dịch vụ bảo vệ Hiệp Tấn Phú (TP. Rạch Giá) có 13 năm làm nghề bảo vệ. Nghề bảo vệ đến với chị Ân như duyên rồi chị gắn bó đến nay. Trước đây chị từng là giáo viên dạy môn thể dục. Được giới thiệu làm trong công ty bảo vệ, chị thử sức và chuyển sang làm bảo vệ chuyên nghiệp.
Chị Ân chia sẻ: “Năm 2009, ở TP. Rạch Giá có ít phụ nữ làm bảo vệ. Dù nghề này vất vả nhưng lúc đó tôi còn trẻ, lại biết võ karate nên tôi muốn thử sức với nghề, sau đó tôi thấy hợp với nghề nên gắn bó đến nay”. Hiện chị Ân vừa là trưởng phòng nhân sự vừa là võ sư môn karate. Chị giới thiệu cho học trò có nhu cầu tìm việc thử sức với nghề bảo vệ, nhất là đối với học viên nữ.
Khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2021, em Huỳnh Ngọc Yến, ngụ xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành) mất việc khi đang là nhân viên phụ quán cà phê. Được bạn giới thiệu, Yến xin làm bảo vệ, trực ở Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Qua thời gian thử việc, Yến quyết định trụ lại với nghề.
Yến cho biết: “Em trực ca 12 tiếng/ngày, em thường được bố trí ca ngày. Công việc của em chủ yếu giữ gìn an ninh, trật tự, không để kẻ gian, người bán hàng rong… vào trong bệnh viện. Thời điểm dịch bệnh COVID-19, em và thành viên trong đội còn kiểm soát số lượng người thăm nuôi bệnh nhân đúng quy định phòng, chống dịch của bệnh viện. Công việc phù hợp và thu nhập ổn định nên em gắn bó với nghề”.
CHUỘNG TUYỂN NỮ BẢO VỆ
Tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, mỗi ngày có hàng ngàn bệnh nhân, thân nhân ra vào. Để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự khu vực bệnh viện, nhất là trong thời điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, người bảo vệ phải vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của bệnh viện vừa giao tiếp ứng xử giúp người thăm bệnh nhân hài lòng, hợp tác thực hiện đúng quy định và nữ bảo vệ là lựa chọn hợp lý nhất ở những vị trí này.
Em Mai Kim Chi - bảo vệ tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chia sẻ: “Quy định một người bệnh chỉ được một người nuôi nhưng nhiều thân nhân muốn vào thăm người bệnh và tìm cách vào trong, vì thế trong ca trực chúng em phải quan sát, ghi nhớ. Khi người nhà bệnh nhân gây hấn, to tiếng, chúng em giải thích để họ hiểu và thông cảm, hợp tác, tránh xảy ra xô xát”. Đó là lý do nhiều công ty bảo vệ chuộng tuyển nữ bảo vệ ở mục tiêu nhạy cảm.
Em Mai Kim Chi - bảo vệ tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang hỗ trợ sản phụ xuất viện.
Công ty Dịch vụ bảo vệ Hiệp Tấn Phú có hơn 200 nhân viên bảo vệ, trong đó có 10 nữ bảo vệ. Nữ bảo vệ của công ty có độ tuổi từ 18-35, được phân công nhiệm vụ tại những mục tiêu phù hợp như giữ tài sản, ít liên quan đến giữ an ninh, trật tự. Để trở thành nhân viên chính thức của công ty, nhân viên phải qua thời gian thử việc và được công ty tập huấn về nghiệp vụ theo giáo trình như hướng dẫn giữ gìn an ninh, trật tự, giữ gìn tài sản, xử lý sự cố, tác phong, lễ tiết…
Sau đó, nhân viên chính thức phải tham gia lớp huấn luyện do Công an tỉnh tổ chức và được cấp giấy chứng nhận bảo vệ chuyên nghiệp. Anh Lư Hùng Minh - Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo vệ Hiệp Tấn Phú cho biết: “Để trở thành nhân viên chính thức của công ty, nữ bảo vệ trải qua quá trình huấn luyện, tập huấn, đòi hỏi về sức khỏe ban đầu như nam bảo vệ. Hầu hết nữ bảo vệ của công ty đều có sức chịu đựng trong công việc cao, xử lý vụ việc cương quyết, dứt khoát. Công ty không ngại nhận nhân viên nữ vì có nhiều vị trí nữ làm bảo vệ tốt hơn nam như khu vực lễ tân, trực thang máy, tuần tra các phòng sinh bệnh viện… Phụ nữ có thế mạnh riêng. Bên cạnh những anh bảo vệ nghiêm khắc, những chị bảo vệ chắc chắn sẽ gây được thiện cảm với mọi người”.
Bài và ảnh: HUỲNH ANH
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: