29/09/2020 16:19
Anh Lê Hoàng Nhân vốn không phải dân hội họa và cũng chưa qua trường, lớp mỹ thuật nào, vậy mà tranh của anh nổi tiếng cách nay gần chục năm, thậm chí tranh vỏ tràm của anh còn xuất đi nhiều nước trên thế giới.
Mới đây, anh Nhân sáng tạo tranh bẹ chuối. Tranh bẹ chuối của anh Nhân dùng nguyên liệu là những bẹ chuối khô có sẵn ở vùng Miệt Thứ. Sau khi chọn được nguyên liệu phù hợp ý tưởng của mình, anh xé bẹ chuối và dán thành tranh. Anh Nhân cho biết: “Để có tác phẩm tranh bẹ chuối phải trải qua 5 bước gồm tạo nét cơ bản trên nền, xé bẹ chuối dán lên nền, hoàn chỉnh bố cục, lấy nét tạo điểm nhấn và đóng khung tranh”.
Theo anh Nhân, cái khó của làm tranh bẹ chuối là nguyên liệu phải khô tự nhiên trên cây chứ không được chặt về phơi để đảm bảo bẹ chuối dai, trong khi đó bẹ chuối rất ít màu để sáng tác, thời gian hoàn thành tranh khá lâu do làm thủ công và cần có sự tỉ mỉ trong từng miếng dán… Tuy nhiên làm tranh bẹ chuối có cái hay là cùng một lúc anh Nhân có thể làm 5 hoặc 10 bức tranh khi có nguyên liệu đầy đủ, phù hợp. Tranh bẹ chuối được anh Nhân xử lý chống thấm nước, chống mối mọt nên độ bền tốt, giữ được màu sắc trong thời gian dài.
Anh Lê Hoàng Nhân đang phủ lớp chống nước, chống mối mọt lên tranh bẹ chuối trước khi giao tranh cho khách.
Nói về việc sáng tạo tranh bẹ chuối, anh Nhân khẳng định mình không phải là người tiên phong trong thể loại này. Tranh của anh là học theo người đi trước, tuy nhiên quan trọng nhất của một bức tranh là phải có hồn, tranh phải có điểm nhấn, nhất là cuốn hút người xem và phải có thông điệp rõ ràng thì người làm tranh mới thành công. Chủ đề về miền Tây sông nước, quê hương Miệt Thứ được anh Nhân đưa vào tác phẩm của mình một cách chân thực, sinh động và gần gũi nhất.
Anh Nhân chia sẻ: “Đầu năm 2019, tôi thử làm tranh từ bẹ chuối sau khi thấy một bác ở miền Trung làm. Tranh làm từ bẹ chuối dễ, tương tự tranh vỏ tràm mà tôi làm hơn 15 năm qua. Ban đầu, tranh bẹ chuối chưa được nhiều người chú ý, đến giữa năm 2019, tranh của tôi được triển lãm tại lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thì nhiều người chú ý đến loại tranh này. Tại triển lãm, tranh của tôi được một số tổ chức mua lại, sau đó tôi bán 55 bức tranh bẹ chuối cho một đối tác ở TP. Hà Nội để xuất đi nước ngoài. Đến nay, tranh bẹ chuối của tôi được nhiều người đặt hàng”.
Theo anh Nhân, nguyên liệu làm tranh thân thiện môi trường và chất liệu sáng tác là phong cảnh miền quê Miệt Thứ, kiến trúc, địa danh nổi tiếng của Kiên Giang trong tổng thể bố cục của bức tranh là yếu tố khiến khách chọn mua loại tranh này. Hiện tranh bẹ chuối và tranh vỏ tràm của anh Nhân có mặt ở các cuộc triển lãm để giới thiệu sản phẩm thân thiện môi trường của Kiên Giang.
“Tôi hy vọng tranh được làm từ bẹ chuối đến được nhiều nơi hơn và góp phần giới thiệu, quảng bá tích cực, chân thật nhất về hình ảnh của Kiên Giang xinh đẹp, hiền hòa đến bạn bè trong và ngoài nước”, anh Nhân nói.
Hiện anh Nhân còn sáng tác thành công ở loại tranh bút lửa và vải jean. Anh dự định tiếp tục làm tranh cỏ, tranh lá cây… Anh Nhân cho rằng, những thứ tưởng bỏ đi nếu đem sắp xếp vào một bố cục theo một ý tưởng nào đó sẽ toát lên vẻ đẹp nhất định chứ không còn là vật vô tri vô giác.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Ngày 24-11, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang tổ chức khởi công xây dựng 2 cầu và khánh thành 1 cầu giao thông nông thôn tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất.
Tổng số lượt truy cập: