23/07/2021 16:18
Hơn chục năm qua, ông Lớn không còn rong ruổi nhiều nơi như trước mà gắn bó với vùng Miệt Thứ để mưu sinh. Tôi gặp ông Lớn khi cơn mưa đầu mùa vừa dứt, ông ngồi đăm chiêu trên chiếc ghe cũng là ngôi nhà của vợ chồng ông mấy chục năm nay. Ông Lớn sợ nhất mùa mưa vì thiếu vật liệu đốt để nổ cốm khiến ông không có thu nhập... Hôm ấy là ngày thứ ba chiếc ghe của ông Lớn cắm sào trên dòng kênh xáng Xẻo Rô (đoạn gần chợ Thứ 7, An Biên) mà không nổ được mẻ cốm nào.
“Nghề nổ cốm xưa khá thịnh, mỗi khi có ghe nổ cốm về xóm, trẻ con kéo nhau chạy thành hàng trên bờ kênh gọi mẹ để xin gạo nổ cốm. Trẻ con càng đông, không khí buổi nổ cốm càng rộn ràng”, ông Lớn nhớ lại. Cũng theo ông Lớn, xưa nghề nổ cốm có nhiều người làm, chỉ cần bộ đồ nghề là bếp lửa, quả nổ, một túi lưới mành chứa cốm là đủ. Thợ nổ cốm thường đi bằng xuồng chèo, ai khá hơn thì đi ghe chạy máy Cu Le Tư (Kohler 4)... Hiện nghề này không còn ai làm, cốm nổ ít được trẻ con chọn.
Chúng tôi ủng hộ ông Lớn bằng mẻ cốm bắp. Sau một hồi đi vài nhà xin cũng đủ củi đốt, ông Lớn nhanh tay chuyển đồ nghề từ dưới ghe lên bãi đất trống và mẻ cốm bắp nhanh chóng được quay đều trên ngọn lửa hồng. Vừa quay quả nổ, ông Lớn vừa kể về cái “nghiệp” của đời mình. Ông gắn bó với nghề nổ cốm từ năm 1977. Thời đó, ông chỉ quanh quẩn ở vùng Cái Răng, Phụng Hiệp hơn chục bữa rồi về. Sau khi con ông Lớn có gia đình, vợ chồng ông sống trên ghe, xuôi theo con nước mưu sinh. Sau nhiều năm rong ruổi, ông gắn bó với vùng Miệt Thứ để theo nghề.
Ông Nguyễn Văn Lớn đang quay quả nổ để nổ cốm.
Từ đó, hình ảnh chiếc ghe của ông Lớn trở nên quen thuộc với từng “Thứ”, “Xẻo”, “Cái” của vùng đất này. “Miệt Thứ có nhiều kỷ niệm gắn với nghề nổ cốm của tôi, như quê hương thứ hai của tôi. Mấy tháng trước, ghe của tôi bị cháy, người dân Miệt Thứ góp tiền cho tôi sửa lại ghe. Tôi nhớ mãi ân tình này của người dân, tôi cố gắng kiếm tiền gửi lại họ vì người dân còn khó khăn”, ông Lớn nói.
“Đập được rồi nghe” - ông Lớn thông báo khi câu chuyện giữa chúng tôi với ông còn dang dở. Đùng một tiếng, mẻ cốm bắp thơm phức nằm gọn trong túi đựng. Mùi thơm của cốm xộc lên mũi khiến ký ức một thời thơ bé trong tôi ùa về, khi ấy cốm là món khoái khẩu và bọn trẻ chúng tôi vẫn phải chờ để được ngấu nghiến vì có khi phải đến vài tháng ghe nổ cốm mới quay lại xóm… Nổ xong mẻ cốm, ông Lớn dọn đồ chuẩn bị cơm chiều. Chúng tôi rời đi mà lòng miên man nhớ về miền ký ức.
Chiều trên sông nước Miệt Thứ yên bình, thơ mộng, chiếc ghe của ông Lớn vẫn cắm sào chờ nắng lên để tiếp tục hành nghề. Có thể một ngày kia ông Lớn cùng chiếc ghe nổ cốm không còn xuôi ngược nơi đây, vùng Miệt Thứ phai dần hình ảnh của cái nghề thân thương của một thời xưa cũ, song với những người biết ông Lớn sẽ rất lâu để họ quên đi hình ảnh của người nổ cốm cuối cùng trên sông vùng Miệt Thứ…
Bài và ảnh: NGUYỄN MINH
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: