05/07/2022 15:03
Theo nhiều phụ nữ xã Lại Sơn, nghề gỡ lưới thu nhập ít hay nhiều tùy mùa. Nghề gỡ lưới đòi hỏi sự kiên trì và chịu khó. Trước đây, phụ nữ nơi đây không có thu nhập ổn định. Từ khi các chủ tàu thuê người gỡ lưới, các chị tham gia và có thu nhập ổn định. Làm nghề này phải có tính kiên trì bởi có lúc phải làm cả ngày. Với thu nhập từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày, nhiều phụ nữ phấn khởi vì có việc làm tại chỗ, không phải đi xa, có điều kiện chăm sóc gia đình.
Trước đây, do gia đình khó khăn nên vợ chồng chị Trần Thị Nhanh, ngụ xã Lại Sơn đi Bình Dương làm việc. Sau khi chị Nhanh sinh em bé, không ai trông và không có việc làm ổn định nên chị về quê. Thấy nghề gỡ lưới thu nhập ổn định nên chị xin đi làm. “Nghề này cực lắm, có hôm ngón tay tôi bị phồng rộp, đau lưng. Các tàu sau khi đi biển đánh bắt thủy sản về chúng tôi đến gỡ cá, ghẹ, mực cho chủ bán, sau đó chúng tôi gỡ rác bỏ đi. Công việc này giúp tôi có thu nhập khá, có điều kiện cho con ăn học”, chị Nhanh chia sẻ.
Năm nay 70 tuổi, bà Trần Thị Liên ở xã Lại Sơn từ thời thơ ấu. Với bà Liên, để trụ được ở vùng đất này, những người phụ nữ phải tần tảo, không quản khó khăn. Sống ở miền biển, nếu không có điều kiện ra khơi đánh bắt thì đa phần người dân sống dựa vào các nghề như làm cá, vá lưới, phơi cá, gỡ lưới ghẹ... “Sống ở vùng biển nhưng gia đình tôi không có phương tiện đánh bắt. Những năm qua, gia đình tôi sống bằng nghề gỡ lưới ghẹ. Lúc mới làm tôi chưa có kinh nghiệm nên tay tôi bị nhiều vết cắt, sau này tôi mang bao tay nên không bị nữa. Mỗi ngày tôi thu nhập từ 150.000-200.000 đồng”, bà Liên cho biết.
Phụ nữ xã Lại Sơn gỡ lưới ghẹ.
Đến xã Nam Du những ngày này, chúng tôi bắt gặp từng nhóm phụ nữ cần mẫn gỡ lưới. Việc làm này tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở xã. “Nấu cơm cho gia đình xong, tôi tranh thủ thời gian đi gỡ rác lưới. Mỗi ngày tôi thu nhập gần 200.000 đồng, từ đó cuộc sống gia đình tôi ổn dịnh hơn”, chị Nguyễn Thị Mai, ngụ xã Nam Du tâm sự.
Thời gian qua, để giải quyết việc làm cho phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kiên Hải có nhiều giải pháp thiết thực nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ. Huyện Kiên Hải có 17.644 nhân khẩu, trong đó có 4.700 phụ nữ trong độ tuổi lao động (chiếm 45,39% lực lượng lao động toàn huyện).
Hội phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nữ; đồng thời, thành lập các mô hình, vận động phụ nữ tham gia. “Mô hình gỡ lưới trên địa bàn huyện được duy trì từ lâu. Từ nghề này, nhiều phụ nữ nuôi con ăn học, cuộc sống gia đình ổn định. Thời gian tới, hội sâu sát cơ sở, nắm tình hình và nhu cầu của phụ nữ để nghiên cứu tổ chức hoạt động cũng như xây dựng mô hình phù hợp, giúp phụ nữ có thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo ở địa phương”, đồng chí Lê Thị Hoàng Mai - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kiên Hải cho biết.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: