24/01/2023 10:22
Ông Phan Hòa (80 tuổi), ngụ xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), quê ở tỉnh Thái Nguyên, vào miền Nam sinh sống từ năm 1979. Ông Hòa kể, khi ông còn nhỏ đã được ông nội dạy cách gói bánh chưng.
Ông Hòa xem việc gói bánh chưng vào dịp tết là truyền thống quý báu cần lưu giữ và phát huy. Mỗi năm vào ngày 29 tết, ông Hòa cùng với các con, các cháu quây quần gói bánh, nhóm lửa luộc bánh và háo hức ngồi chờ bánh chưng chín. “Vì xa quê đã lâu nên việc gói bánh chưng giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ quê nhà. Ngày trước, trong miền Nam khó kiếm lá dong để gói bánh nên tôi tạo ra những chiếc khuôn gỗ để giúp bánh được vuông và sử dụng lá chuối thay cho lá dong. Tôi cứ lo bánh sẽ không vuông nhưng may mắn là bánh rất đẹp. Dịp tết, nhiều người liên hệ với tôi để đặt mua bánh nhưng tôi từ chối. Gói bánh không phải để kiếm tiền, tôi chỉ muốn gia đình đoàn tụ, sum vầy”, ông Hòa nói.
Chị Phan Thị Minh Loan - con gái ông Phan Hòa, ngụ xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đang gói bánh chưng.
Các con của ông Hòa được học cách gói bánh chưng từ ông. Hiện ông Hòa tuổi đã cao nên việc gói bánh chưng của gia đình ông do chị Phan Thị Minh Loan (con gái của ông Hòa) đảm nhận gói chính. Chị Loan chia sẻ: “Gói bánh chưng trải qua nhiều công đoạn. Gia đình tôi phân công mỗi người một việc nên mọi thứ hoàn thành rất nhanh chóng. Từ việc tìm lá, rửa lá, phơi lá cho đến ngâm gạo nếp, ngâm đậu xanh, ướp thịt đều phải được làm thật kỹ lưỡng. Mỗi năm gia đình tôi gói từ 40-50 chiếc bánh, vừa để chưng tết vừa mang đi làm quà tặng”.
Chị Loan đang tiếp tục dạy cách gói bánh cho thế hệ tiếp theo. Không những vậy, chị còn kể những câu chuyện truyền thuyết gắn liền với những loại bánh ngày tết nên các con, các cháu rất hào hứng và chăm chỉ học cách gói.
Những chiếc bánh chưng do các thành viên trong gia đình ông Phan Hòa gói.
Duy trì nét đẹp truyền thống của gia đình, vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, anh Nguyễn Hoàng Vương, ngụ phường Dương Đông, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) cùng mẹ gói bánh chưng. “Việc gói bánh chưng vào ngày 30 tết là sự tưởng nhớ của gia đình tôi dành cho bà ngoại vì ngày trước bà thích nhất là giây phút quây quần gói bánh đêm giao thừa”, anh Vương chia sẻ.
Anh Vương cho biết, lần đầu gói bánh chưng anh chỉ được giao nhiệm vụ canh bếp nấu bánh nhưng giờ anh đã có thể tự tay gói được 1 chiếc bánh chưng hoàn chỉnh. Anh sẽ duy trì truyền thống của gia đình và tiếp tục dạy lại cho thế hệ tiếp theo.
Bà Thị Si (bên phải), ngụ thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cùng chị gái gói bánh tét.
Bên cạnh bánh chưng, bánh tét cũng là loại bánh đặc trưng của những ngày tết. Gia đình bà Thị Si (58 tuổi), ngụ thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thường tổ chức gói bánh tét vào ngày 29 hoặc 30 tết hàng năm, đây là dịp để những người thân của gia đình bà Si đang đi làm ở xa về nhà đoàn tụ và họp mặt. “Gia đình tôi gói bánh tét với nhiều loại nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là nhân chuối và nhân mỡ. Năm nay, các cháu tôi còn gói thêm bánh tét nhân hạt điều rất thơm béo. Việc chuẩn bị để gói bánh cũng khá vất vả nhưng nghĩ đến việc cả nhà cùng nhau ngồi bên bếp lửa ấm áp đón năm mới khiến tôi có động lực để tiếp tục gói. Tôi vừa gói vừa chỉ dạy. Giờ đây các thành viên trong gia đình ai cũng có thể gói nên chỉ mất từ 2-3 tiếng để hoàn thành 30 đòn bánh tét”, bà Si chia sẻ.
Dù giá trị không nhiều nhưng mỗi chiếc bánh chưng, bánh tét do các gia đình tự tay gói vào ngày tết luôn mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Việc này không chỉ là cách giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn làm cho tình cảm gia đình nồng ấm, sum vầy, hạnh phúc cùng với những lời chúc tốt đẹp, viên mãn cho năm mới.
Bài và ảnh: TƯỜNG VI
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: