23/06/2020 11:06
BÀ LÃO Ở BẾN SÔNG
Hàng ngày, bà Châu Thị Tư (bìa trái) bắt ốc bán. Trong ảnh: Ba chị em bà Tư gồm bà Châu Thị Diệu (bìa phải), bà Tư và bà Châu Thị Hoa trò chuyện.
Nhiều năm qua, hình ảnh bà Châu Thị Tư (73 tuổi), ngụ tổ 6, ấp Ngọc Bình, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang gầy guộc, lúc dưới sông, khi ngồi trên xuồng lượm từng con ốc… quen thuộc với người dân gần chợ xã Ngọc Chúc. Bà Tư trở thành người quen của những người thích ăn ốc gạo, ốc bươu sống ở quanh đó.
Tôi gặp bà Tư một sáng tinh mơ khi bà bán ốc gạo gần cổng Trung tâm Y tế xã Ngọc Chúc. Bà ngồi trên lề xi măng, một bên là chiếc thau đựng ốc, một bên là chiếc thùng, bên trong có một ít nước và ốc bươu, ốc gạo. Bà Ngô Thị Sáu vừa thấy bà Tư bán ốc liền gọi người quen xem có ai mua giúp bà Tư.
Hôm đó ngồi bán khá lâu mà không ai mua ốc, bà Tư có vẻ lo lắng. Bà bán ốc không ngay chợ nên ít ai mua. Một lúc sau có người thanh niên chạy chiếc mô tô dừng lại mua, bà Tư vui hẳn. Người thanh niên mua hết hai ký ốc và đưa bà Tư 200.000 đồng. Bà sang quán nước gần đó đổi tiền rồi cất 70.000 đồng tiền ốc, còn lại trả cho khách. Sau đó bà Tư đổ nước trong thùng, để thùng vào thau, cảm ơn người cho đổi tiền lẻ rồi ra về. Theo dáng bà Tư dần khuất sau ngã rẽ đường, một người chạy xe ôm nói: “Tội nghiệp bà lão, bán hết thì mừng rồi, ngày nào cũng mò ốc”.
CÒN KHỎE, CÒN LÀM
“Làm riết quen, không làm gì chừng hai ngày là tôi không chịu được, thấy mình không có ích, nên còn khỏe là tôi còn lao động”, ông Võ Hồng Phước (84 tuổi), ngụ ấp Ngọc Bình, xã Ngọc Chúc nói. Tôi gặp ông Phước vào một chiều mưa khi ông đang ngả lưng trên chiếc giường nhỏ, tay gác trán, nằm nghe cải lương, còn bà Trương Thị Thắm - vợ ông đang xâu rổ để treo bán trước nhà.
Ông Võ Hồng Phước, ngụ ấp Ngọc Bình, xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng) chuẩn bị men nấu rượu truyền thống do gia đình ông sản xuất để giao cho khách.
Nhà của ông Phước làm bằng mái tole, vách lá, diện tích 80m2 nằm ven bờ sông chỉ có một căn phòng nhỏ và một khu nhỏ làm bếp, phần còn lại ông bà chất hàng hóa bán từ lò trấu, cà ràng, nồi đất, thúng, nia, rổ, khạp, kiệu… đến rượu đóng chai, men làm rượu, những mặt hàng này, ông bà đã kinh doanh mấy chục năm qua. Vợ chồng ông Phước có một con gái năm nay 60 tuổi, sống cách nơi ông bà khoảng 10km. Ông Phước chia sẻ: “Nghề chính của tôi là sản xuất men thuốc bắc dùng để nấu rượu truyền thống. Ngày trước bán đắt, nhà tôi thuê thêm người làm. Mỗi ngày tôi làm cả tấn gạo để chế biến men rượu”.
Giờ tuổi đã cao, hàng ngày ông Phước vẫn chạy xe gắn máy đi bỏ mối men nấu rượu ở địa phương lân cận. Mỗi tuần, ông cùng con cháu sản xuất men, nấu rượu truyền thống để bỏ mối cho các quán nhậu. Theo ông Phước, hàng tuần, ông cùng con cháu làm khoảng 200kg men để bán cho khách sỉ và lẻ. “Có những mối mua men từ huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cứ 20 ngày họ lấy 50kg men, giúp tôi có thu nhập, không phải phụ thuộc vào con cháu”, ông Phước nói.
SỐNG ĐỂ YÊU THƯƠNG
Vợ chồng ông Phước là tấm gương về tình yêu lao động, tuổi già vẫn luôn biết cách giữ sức khỏe, lao động tự lo cho cuộc sống.
Tôi nhớ mãi những câu nói của bà Thắm khi tôi hỏi về hoàn cảnh của bà Tư. “Con đi thêm 500m là đến nhà bà Tư, nhà đó có 3 chị em đều lớn tuổi, họ chịu khó làm ăn, người chị khuyết tật gần đây bị té không đi lại được. Bà Tư ngày ngày vẫn mò ốc bán kiếm tiền, còn người em gái út thì mới bị xe đụng trong khi bán rau, thương lắm con ơi”.
Theo tuyến đường nông thôn ven bờ sông xáng của ấp Ngọc Bình, khi hỏi nhà bà Tư thì hàng xóm nhiệt tình hướng dẫn. Sân nhà bà Tư phía trước có vài chậu sen đang trổ bông, bên hiên nhà, anh Châu Văn Dễ - cháu gọi bà Tư bằng dì cũng đang trồng gần chục gốc xoài. Anh Dễ là cháu con người chị thứ hai của bà Tư và cũng là người chăm lo cuộc sống cho 3 người phụ nữ đã lớn tuổi gồm mẹ của anh là bà Châu Thị Diệu (84 tuổi), bà Tư và bà Châu Thị Hoa (63 tuổi).
Theo anh Dễ, nhà có 3 người phụ nữ lớn tuổi thì mẹ anh là người khuyết tật lại bị té, để di chuyển bà phải bò; dì Tư bị đau mắt, nhìn không rõ nhưng luôn chịu khó mò ốc bán kiếm tiền; còn dì út Hoa trước đây vẫn hái rau đồng ra chợ bán, cách đây không lâu trong lúc bán rau, dì Hoa bị xe đụng gãy chân, hiện vẫn chưa đi lại được.
Nhìn cách vợ chồng anh Dễ mưu sinh lo cho gia đình, từng thành viên của gia đình luôn vươn lên trong cuộc sống thật đáng quý. Bà Hoa ngày ngày vẫn mong có thể đi lại để hái rau bán kiếm tiền phụ lo sinh hoạt trong nhà… Thật khâm phục ý chí và nghị lực của những con người dù ở tuổi xế chiều vẫn yêu lao động và tự lực vươn lên.
Bài và ảnh: MINH THƯ
(KGO) - Ngày 24-11, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang tổ chức khởi công xây dựng 2 cầu và khánh thành 1 cầu giao thông nông thôn tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất.
Tổng số lượt truy cập: