20/09/2023 14:37
Xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) có trên 12.000 dân, trong đó gần 11% đồng bào Khmer.
Được cấp ủy Đảng, chính quyền xã thống nhất, trụ trì chùa Tà Keo, xã Thạnh Trị đã vận động bà Thị Sol dạy chữ Khmer cho thanh thiếu niên trên địa bàn ấp Tàu Hơi B. Điểm lẻ ấp Tàu Hơi B Trường Tiểu học Thạnh Trị trở thành nơi bà Thị Sol dạy chữ Khmer từ hè năm học 2021-2022.
Theo bà Thị Sol, hè năm học 2021-2022, bà dạy lớp 1 với 18 học sinh. Hè năm nay bà dạy lớp 1 và lớp 2 với tổng số 30 học sinh, duy trì sĩ số đến cuối khóa học.
Theo thông lệ, các lớp học chữ Khmer dịp hè được nghỉ vào các ngày mùng 8, 15, 23, 30 âm lịch hàng tháng nhưng lớp của bà Sol học xuyên suốt các buổi chiều vì bà lo các cháu học không hết sách, chỉ khi bận việc gấp bà Sol mới cho lớp nghỉ.
Quê bà Thị Sol ở xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Lúc nhỏ, bà được học chữ Khmer đến hết lớp 5. Không được học qua lớp nghiệp vụ sư phạm, không hình dung được thế nào là phương pháp dạy học, hành trang đến lớp của bà Thị Sol là những quyển sách do chùa cung cấp và tình thương, mong muốn con em biết đọc, viết chữ dân tộc mình.
“Tôi chưa từng nghĩ mình là cô giáo. Lên lớp, tôi dạy hết khả năng, làm mọi cách để cháu nào cũng biết đọc, biết viết”, bà Thị Sol tâm sự.
Đằng sau suy nghĩ giản đơn ấy là tấm lòng, trái tim đầy nhiệt huyết. Bà nắm rõ học lực từng em, kiên nhẫn dạy nhiều lần để các em học yếu tiếp thu bài; phân công các em học tốt kèm các em học yếu để tiến bộ...
Hai năm qua, lớp bà Thị Sol dạy có nhiều học sinh thi đạt điểm cao, được chùa khen thưởng. “Năm nay, lớp tôi có cháu đạt hạng nhất, được chùa tặng xe đạp và 500.000 đồng, dụng cụ học tập. Các cháu học giỏi, tôi vui lắm”, bà Thị Sol chia sẻ.
Bà Thị Sol, ngụ ấp Tàu Hơi B, xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) trong giờ dạy chữ Khmer cho các em.
Gia đình bà Thị Sol làm nghề chăn nuôi. Vợ chồng bà có bốn người con, trong đó có ba người đã đi làm. Các con có việc làm, gửi tiền phụ giúp nên kinh tế gia đình cải thiện hơn trước. Chồng bà ủng hộ, chia sẻ việc nhà để bà yên tâm đi dạy.
Học hết bài trong sách, bà cho nghỉ ôn thi nhưng các cháu xin được đến lớp “học một chút thôi cũng được”, thế là bà lại lên lớp.
Em Thị Yến Trang - học sinh lớp 8 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Giồng Riềng cho biết: “Trong trường em được học chữ Khmer. Dịp hè, em đến lớp bà Sol học để không quên chữ. Là người Khmer, em tự hào khi biết đọc, viết chữ dân tộc mình”.
Mong muốn biết chữ Khmer, nên mỗi dịp hè em Danh Thị Ánh Hoàng - học sinh lớp 11B8 Trường Trung học phổ thông Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) đến lớp bà Sol học chữ. “Học chữ Khmer em rất vui. Trở lại trường học văn hóa, em sẽ dành thời gian ôn tập để không quên chữ, hè năm sau tiếp tục học”, Ánh Hoàng bộc bạch.
Bà Thị Sol không đòi hỏi tiền thù lao dạy học. Nhiều phụ huynh thương, thỉnh thoảng tặng bà quà để cảm ơn. Bà Thị Cắc Ri, ngụ ấp Tàu Hơi B chia sẻ: “Có bà Thị Sol dạy chữ Khmer cho con em, người dân phấn khởi lắm. Khi rảnh, chúng tôi đến lớp xem các cháu học chữ, thấy các cháu học vui chúng tôi vui theo. Người dân Khmer mong lớp học được duy trì”.
Vợ chồng chị Thị Quỳnh không biết chữ Khmer nên mong con mình được học. Con của anh chị được bà Thị Sol dạy 2 năm, đến nay đã biết đọc và viết.
“Được các vị sư chùa Tà Keo động viên, người dân địa phương tin tưởng, học sinh yêu thương, tôi nguyện gắn bó với lớp dạy chữ Khmer”, bà Thị Sol tâm sự.
Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Trị Lê Thị Kiều Nga cho biết, bà Thị Sol tâm huyết dạy chữ Khmer cho con em, góp phần bảo tồn chữ viết, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer. Lớp học được người dân, phụ huynh trong ấp ủng hộ; chùa Tà Keo và nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ tập, viết cho các em từ 10-15 cuốn tập/năm.
Bà Thị Sol còn là ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, huyện nhiều khóa liền. Bà là cán bộ hội tích cực, có nhiều đóng góp cho công tác hội, phong trào phụ nữ ở cơ sở. Với nhiều thành tích, bà Thị Sol được ba cấp chính quyền và hội liên hiệp phụ nữ biểu dương, khen thưởng.
Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN
(KGO) - Năm 1994, Trường Dân lập Hạnh Phước được thành lập. Sau nhiều lần thay đổi, đến ngày 1-9-2008, trường mang tên Trường Mầm non - Tiểu học Hạnh Phước. Đến nay trường đã có 30 năm hoạt động. Năm 2009, Trường Mầm non - Tiểu học Hạnh Phước vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Tổng số lượt truy cập: