04/06/2021 16:41
Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
Chương trình dịch vụ công trực tuyến được triển khai theo 4 mức độ, trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản, hồ sơ đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; quá trình xử lý hồ sơ, cung cấp dịch vụ, các giao dịch được thực hiện trên môi trường mạng internet; người dân nhận kết quả, thanh toán lệ phí tại cơ quan, tổ chức nhà nước cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho phép người sử dụng thanh toán trực tuyến, việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
- Phóng viên: Đồng chí cho biết ý nghĩa, lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến?
- Đồng chí Nguyễn Xuân Kiệm: So việc thực hiện dịch vụ hành chính công truyền thống, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mang đến nhiều tiện ích cho tổ chức, cá nhân.
Sử dụng dịch vụ công trực tuyến tránh nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Việc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet thông qua Cổng dịch vụ công tỉnh (dichvucong.kiengiang.gov.vn).
Nếu trước đây, muốn đăng ký thủ tục hành chính phải đến cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ thì nay với phương thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, mọi việc liên quan đến thủ tục hành chính, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay tại văn phòng, đơn vị; đồng thời có thể theo dõi, giám sát tình trạng giải quyết hồ sơ. Do vậy, tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức, cá nhân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm.
Cổng dịch vụ công tỉnh được nâng cấp, thường xuyên cập nhật chức năng đáp ứng quy định hiện hành, là đầu mối cung cấp thông tin về thủ tục hành chính của tỉnh trên môi trường mạng, đảm bảo kết nối liên thông với hệ thống một cửa điện tử của tỉnh. Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công tỉnh để được giải quyết.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua được đa số người dân, doanh nghiệp đồng tình. Việc cập nhật, niêm yết công khai thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, đảm bảo đạt 100% thủ tục hành chính theo quy định.
Tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh có 2.007 thủ tục hành chính, trong đó cấp tỉnh 1.602 thủ tục hành chính, cấp huyện 258, cấp xã 147; số thủ tục hành chính thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 1.550 thủ tục hành chính.
- Phóng viên: Là cơ quan chuyên trách, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai giải pháp gì nhằm đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh, thưa đồng chí?
- Đồng chí Nguyễn Xuân Kiệm: Nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số quản trị và hành chính công trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai kế hoạch nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, sẵn sàng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Năm 2021, Sở phấn đấu thực hiện đạt 60% thủ tục hành chính có khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh; hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đáp ứng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; áp dụng cơ chế đăng nhập một lần SSO, đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính, kết nối hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến toàn quốc. Cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau khi sử dụng các dịch vụ công của tỉnh. Tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, phổ cập kỹ năng cho người dân, doanh nghiệp về nộp hồ sơ trực tuyến để nâng cao số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến từng dịch vụ công.
Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền giúp cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích dịch vụ công trực tuyến, tích cực tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia thông qua hệ thống chia sẻ, tích hợp dùng chung, đáp ứng chức năng đăng nhập một lần của tỉnh, tích hợp đồng bộ trạng thái xử lý tất cả hồ sơ thủ tục hành chính.
Đồng thời, kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thanh toán đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Sở tổ chức thực hiện phương án triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch theo mức độ 3 và 4 đúng quy định; thiết lập kho lưu trữ hồ sơ điện tử tập trung, xây dựng điện toán đám mây dùng riêng của tỉnh; cập nhật dịch vụ công mức độ 1 và 2 lên mức độ 3 và 4 đảm bảo hoàn thành theo thời gian quy định.
Trang bị, nâng cấp hệ thống một cửa điện tử đảm bảo đủ điều kiện phục vụ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền lợi ích, ý nghĩa của dịch vụ công trực tuyến đến cán bộ, công chức, viên chức; đề nghị Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh bố trí công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Qua đó góp phần nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức tích cực tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tạo thói quen cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tập trung đông người, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
CẨM TÚ (thực hiện)
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: