28/12/2022 13:43
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, Kiên Giang đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên 19.400 người với các nghề như xây trát công trình, điện dân dụng, kỹ thuật sửa chữa điện lạnh, đan ghế từ dây nhựa, đan lục bình…
Hầu hết các địa phương đều mở các lớp nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn đạt và vượt chỉ tiêu. Theo đồng chí Nguyễn Văn Liệt - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành (Kiên Giang), năm 2022, phòng phối hợp các đơn vị mở 8 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn với 241 học viên, đạt 100% kế hoạch, tổng kinh phí trên 600 triệu đồng. Kết quả sau đào tạo nghề có 75 lao động được bao tiêu việc làm và 166 lao động tự do tự tìm việc làm.
Cuối năm 2022 được phân bổ nguồn vốn từ phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Châu Thành mở 2 lớp dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng về xây trát công trình và điện gia dụng với 64 học viên.
Tham gia lớp nghề điện dân dụng, anh Danh Đạt, ngụ khu phố Minh Lạc, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành chia sẻ: “Tôi tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn về điện dân dụng với mong muốn có kiến thức về điện để sử dụng an toàn, phòng, chống cháy, nổ; có thể tự lắp đặt điện cho gia đình. Sau khi tay nghề vững, tôi tìm việc làm liên quan đến điện dân dụng để có thu nhập ổn định”.
Cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang khảo sát tình hình lao động nông thôn học nghề gia công sản phẩm bằng dây nhựa tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận.
Năm 2022, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đào tạo nghề cho lao động nông thôn vượt chỉ tiêu. Huyện đào tạo 22 lớp với 632 học viên, đạt trên 122% kế hoạch. Người lao động sau khi đào tạo nghề tìm được việc làm thường xuyên thông qua bao tiêu sản phẩm hoặc tự tạo việc làm.
Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện U Minh Thượng Đỗ Văn Cương cho biết: “Phòng nỗ lực tìm doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết đảm bảo đầu ra cho lao động sau khi học nghề. Hiện nguồn lao động nhàn rỗi ở vùng nông thôn còn nhiều, đào tạo nghề ngắn hạn đạt hiệu quả là một trong những giải pháp giảm nghèo tại địa phương”.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, người tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo. Riêng đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng ngoài việc được miễn học phí còn được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học, tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
Đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, ấp vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp, thị trường lao động trên địa bàn để có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho những cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu theo hướng tập trung, tránh dàn trải; ưu tiên đầu tư hoàn thiện cho cơ sở đào tạo tại địa phương có nhu cầu học nghề cao…
Bài và ảnh: KHÁNH LAM
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: