10/03/2021 16:27
Đồng chí Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) cho biết: “Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển TDTT của Bộ Chính trị, thể thao Kiên Giang chuyển biến rõ về thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Công tác xã hội hóa TDTT đạt nhiều kết quả, nhất là việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng thể thao tại các địa phương”.
Theo Sở VH-TT, thời gian qua, tỉnh thường xuyên tuyên truyền nội dung của nghị quyết từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của công tác TDTT đối với đời sống xã hội nâng lên.
Các hoạt động TDTT được tổ chức thường xuyên với nhiều nội dung, hình thức phong phú, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại tạo sức hút đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên.
Các đội tranh tài tại Giải vô địch bóng chuyền tỉnh năm 2020 tổ chức tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh.
Phong trào TDTT trong trường học được chú trọng với mục tiêu “Mỗi học sinh ít nhất phải biết chơi một môn TDTT”. TDTT trường học tạo sân chơi mới lành mạnh, bổ ích cho học sinh, sinh viên trong việc rèn luyện thể chất, sức khỏe, phục vụ tốt công tác học tập.
Hàng năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 100% kế hoạch đề ra. Công tác TDTT trong lực lượng vũ trang thường xuyên được kiểm tra, đánh giá, đảm bảo chiến sĩ có thể lực tốt, sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc…
Cũng theo Sở VH-TT, nhằm tạo điều kiện để người dân tập luyện TDTT, nhiều công trình thể thao công cộng được đầu tư; công tác xã hội hóa thể thao đạt nhiều kết quả. Hiện toàn tỉnh có 11 sân bóng 11 người, 200 sân bóng mini cỏ nhân tạo, 55 sân quần vợt, 65 bể bơi các loại, 271 sân bóng chuyền... góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT sâu rộng trong nhân dân, nâng tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên toàn tỉnh đến nay đạt 27,5%.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, ngụ phường Vĩnh Hiệp (TP. Rạch Giá) chia sẻ: “Tôi mê đá bóng. Trước kia, mỗi khi muốn đá bóng, chúng tôi phải tận dụng những khu đất hoang hoặc đợi lúa cắt xong mới có sân để chơi, giờ các sân cỏ nhân tạo được đầu tư nhiều, chiều nào tôi và bạn cũng đi đá bóng rèn luyện sức khỏe”.
Thanh thiếu niên đá bóng trên sân cỏ nhân tạo tại phường Vĩnh Hiệp (TP. Rạch Giá).
Bên cạnh thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao cũng tiến bộ rõ nét. Từ năm 2010 - 2020, các vận động viên Kiên Giang tham gia thi đấu gần 400 giải khu vực, toàn quốc và quốc tế, qua đó giành trên 1.400 huy chương các loại. Trong đó, các môn mới được đầu tư đạt thành tích cao tại các giải khu vực, quốc gia như cử tạ, bóng chuyền bãi biển nữ, canoeing, boxing, thể hình và fitness, bắn cung… hứa hẹn phát triển mạnh thời gian tới.
Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị, công tác TDTT của tỉnh phát triển. Thời gian tới, ngành VH-TT tiếp tục khuyến khích, phát triển hệ thống câu lạc bộ thể thao cơ sở, đẩy mạnh hoạt động thể thao quần chúng, đặc biệt là phát triển các môn thể thao phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện cơ sở vật chất của địa phương.
“Khắc phục khó khăn, thời gian tới, Kiên Giang đặt mục tiêu số người tập luyện TDTT thường xuyên đến năm 2030 đạt 30,5%; 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn tại quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của trung tâm văn hóa, thể thao xã theo Thông tư số 12/2010-BVHTTDL đạt kế hoạch đề ra. Về thể thao thành tích cao phấn đấu đến năm 2030 có từ 5 - 10 vận động viên trong đội tuyển quốc gia và là một trong các tỉnh phát triển mạnh về TDTT; phấn đấu xếp hạng từ 30 - 40 trên 65 tỉnh, thành, ngành tại các kỳ đại hội TDTT toàn quốc”, đồng chí Nguyễn Văn Sáu nói.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Ngày 24-11, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang tổ chức khởi công xây dựng 2 cầu và khánh thành 1 cầu giao thông nông thôn tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất.
Tổng số lượt truy cập: