25/06/2024 16:47
Thiếu nhi dân tộc Khmer biểu diễn dàn nhạc Ngũ âm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Giang Thành Huỳnh Trọng Đức cho biết, đồng bào Khmer trên địa bàn huyện có 6.543 người, chiếm 21,57%, chiếm tỷ lệ đa số so với các dân tộc ít người khác. 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả quan trọng.
“Ngày nay, kinh tế địa phương liên tục phát triển, người dân có thêm việc làm, đời sống của đồng bào tiếp tục được cải thiện. Huyện có nhiều gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, kinh doanh là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch UBND huyện Giang Thành Huỳnh Trọng Đức nói.
Điển hình tại ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ có anh Ngô Văn Minh, dân tộc Khmer, là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được người dân địa phương gọi là “nông dân tỷ phú”. Hiện anh Minh canh tác 40ha đất trồng lúa. Qua nhiều năm sản xuất hiệu quả, tích lũy vốn, anh mua máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy bay phun thuốc,… phục vụ sản xuất nông nghiệp cho gia đình và nông dân trong xã. Hàng năm, anh Minh thu lãi từ 1,75-2 tỷ đồng.
Anh Ngô Văn Minh, ngụ ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ (Giang Thành) kiểm tra, bảo dưỡng máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đến ấp Tà Teng, xã Phú Lợi, chúng tôi phấn khởi đi trên tuyến đường bê tông rộng rãi, hai bên đường là những căn nhà khang trang, rợp bóng cờ hoa. Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tà Teng Trần Văn Tính cho biết: “Ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer với 259 hộ, chiếm 73,3%. Đời sống của đồng bào chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Người dân trong ấp rất chăm chỉ lao động, sản xuất, đời sống ngày càng được cải thiện và nâng cao”.
Chị Thị Vi, tổ 2, ấp Tà Teng, xã Phú Lợi, cho biết hiện gia đình chị canh tác 2ha đất trồng lúa và chăn nuôi bò. Nhờ chăm chỉ lao động và tiết kiệm, năm 2020, gia đình chị xây dựng nhà mới, chi phí 1 tỷ đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Thị Vi còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của ấp, của xã, nhất là công tác phụ nữ.
Chị Thị Vi, ngụ ấp Tà Teng, xã Phú Lợi, chăm sóc bò của gia đình.
Nhờ thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Giang Thành ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc giảm đáng kể. Năm 2019, toàn huyện có 229 hộ nghèo là đồng bào Khmer, đến năm 2023 giảm còn 51 hộ nghèo.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Giang Thành Huỳnh Trọng Đức thời gian tới, Giang Thành tiếp tục huy động nguồn lực, tranh thủ nguồn vốn của các chương trình, dự án, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới để đầu tư kết cấu hạ tầng.
"Huyện Giang Thành sẽ làm tốt việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nhanh kinh tế - xã hội vùng nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đồng bào về ý thức thực hành tiết kiệm, nỗ lực vươn lên trong sản xuất và đời sống, từng bước làm giàu chính đáng…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Giang Thành Huỳnh Trọng Đức nói.
Bài và ảnh: THANH NHÃ
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: