21/09/2020 18:53
Đến nay, các sản phẩm rau an toàn của anh Phúc được ngành chức năng công nhận, cung cấp ra thị trường và được nhiều khách hàng tin dùng.
ĐAM MÊ RAU SẠCH
Quê gốc ở Long An, năm 2015, anh Lưu Vĩnh Phúc nhận lời mời của một người bạn đến Kiên Giang mở rộng diện tích cây lâm nghiệp đáp ứng nhu cầu về gỗ cho công ty chế biến gỗ. Sau hơn một năm đến Kiên Giang, anh Phúc thực hiện xong việc nhân giống và trồng trên 100ha cây lâm nghiệp.
Dưa leo được trồng tại trang trại rau sạch của anh Lưu Vĩnh Phúc.
Trồng cây lâm nghiệp ổn định gần 2 năm, anh Phúc có thời gian nhàn rỗi và bắt đầu có ý định thực hiện trang trại trồng rau sạch cung cấp cho người tiêu dùng. Nói về duyên cớ đến với nghề trồng rau sạch, anh Phúc cho biết: “Cây lâm nghiệp có thời gian trồng đến thu hoạch từ 4 - 5 năm. Sau khi được trồng 2 năm, cây không cần chăm sóc nhiều. Có thời gian đi đây đó, tôi biết được nhu cầu về rau sạch của người dân trong tỉnh rất cao, nhất là tại TP. Rạch Giá, trong khi số lượng cá nhân, tổ chức thực hiện mô hình trồng rau an toàn ít. Do đó, tôi quyết tâm thực hiện trang trại trồng rau an toàn thỏa niềm đam mê của mình”.
Nói là làm, giữa năm 2017, anh Phúc mạnh dạn thuê 1ha đất của một số hộ nông dân ở khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp (TP. Rạch Giá) để thực hiện kế hoạch làm trang trại trồng rau sạch.
THU “QUẢ NGỌT”
Để đảm bảo các công việc trong trang trại, anh Phúc thuê 12 nhân công và tổ chức cho họ đi học các lớp về trồng rau an toàn, kiến thức về an toàn thực phẩm. Thời gian này, anh Phúc bắt đầu lên liếp, làm nhà lưới.
Nhằm đảm bảo sản xuất ra các loại rau sạch, anh Phúc thực hiện quy trình canh tác rau tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, gieo trồng, ươm hạt và chăm sóc. Các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và bảo quản sau thu hoạch được chú trọng. Với hơn 30 loại rau gồm rau ăn lá, củ, quả các loại được anh Phúc trồng theo lô và đánh số thứ tự để tiện theo dõi, chăm sóc.
Anh Phúc tự mua thiết bị về lắp ráp mô hình tưới phun tự động cho rau. Anh không sử dụng các loại thuốc và phân hóa học mà sử dụng hoàn toàn các loại phân tự ủ. “Để đảm bảo dinh dưỡng cho rau, tôi mua cá mồi về ủ như ủ mắm, lấy nước hòa lẫn vào nước tưới cho rau. Tôi dùng rơm thải từ mô hình trồng nấm ủ với phân dê và thả trùn quế vào ăn để tạo ra phân bùn. Đây là loại phân dùng để bón cho rau tốt và an toàn”, anh Lưu Vĩnh Phúc nói.
Nhờ được trồng và chăm sóc theo quy trình khép kín, các loại rau trong trang trại của anh Phúc cho chất lượng đồng đều, sản lượng cao. Với nhiều nỗ lực, ngày 4-5-2018, trang trại rau của anh Phúc được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chứng nhận trang trại đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất và sơ chế sản phẩm rau, củ, quả các loại.
Ngoài trồng rau, củ, quả các loại, anh Phúc còn thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà lưới và mái che, phối hợp hệ thống phun sương tự động để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Đến nay, anh Phúc thực hiện được 8 mái che để trồng nấm, mỗi mái che có diện tích khoảng 20m2.
Anh Phúc cho biết: “Trồng nấm rơm trong nhà và phủ lưới quanh năm không sợ ảnh hưởng bởi thời tiết, chủ động được nhiệt độ và ẩm độ, giúp nấm phát triển tốt, đạt năng suất cao, không cần thuốc hóa học, đảm bảo sản phẩm sạch”. Bình quân mỗi ngày, anh Phúc thu hoạch khoảng 100 - 200kg nấm rơm, tùy theo nhu cầu thị trường. Phần rơm rạ còn lại sau thu hoạch nấm sẽ thu gom ủ làm phân bón lại cho rau.
Hiện anh Phúc tiếp thị rau sạch của trang trại mình đến các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Rạch Giá và đã được một số đơn vị chấp nhận. Động lực từ những “quả ngọt” trên, anh Phúc quyết định thuê thêm 2.000m2 đất mở rộng diện tích trồng rau an toàn, đáp ứng yêu cầu về nguồn rau sạch cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Năm 1994, Trường Dân lập Hạnh Phước được thành lập. Sau nhiều lần thay đổi, đến ngày 1-9-2008, trường mang tên Trường Mầm non - Tiểu học Hạnh Phước. Đến nay trường đã có 30 năm hoạt động. Năm 2009, Trường Mầm non - Tiểu học Hạnh Phước vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Tổng số lượt truy cập: