29/09/2021 08:25
Theo đồng chí Tô Hải Đăng - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Gò Quao, huyện có nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào nên thích hợp cho việc nhận hàng mẫu gia công. Lao động nữ nhàn rỗi từ 40 tuổi trở lên đông, thuận lợi cho việc triển khai loại hình việc làm bán thời gian tại gia đình.
Xác định được thế mạnh của địa phương, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gò Quao mời doanh nghiệp đan thủ công mỹ nghệ từ dây dù, dây nhựa ngoài tỉnh về địa phương để liên kết với người lao động sản xuất hàng hóa bằng lục bình theo đơn đặt hàng. Phối hợp doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động, đào tạo gắn với triển khai bao tiêu sản phẩm đầu ra lâu dài sau học nghề nên người lao động tích cực tham gia.
Huyện Gò Quao có 23 tổ chức, cơ sở, mô hình kinh tế, hợp tác xã làm nghề thủ công mỹ nghệ với doanh thu từ 200-400 triệu đồng/tháng, thu hút trên 1.000 lao động tham gia. Trong đó có 2 doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thủ công từ lục bình; 1 doanh nghiệp gia công sản phẩm bàn, ghế từ dây nhựa, dây dù; 1 hợp tác xã gia công sản phẩm từ lục bình tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc; 12 tổ hợp tác đan lát từ lục bình; 7 tổ hợp tác gia công các sản phẩm từ dây nhựa, dây dù.
Hợp tác xã Thuận Phát được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc thành lập năm 2018 với 10 thành viên. Đến nay, hợp tác xã có hơn 200 lao động trong và ngoài xã, thu nhập trung bình từ 2-6 triệu đồng/tháng/người. Chị Trần Thị Thu Ngân - Giám đốc Hợp tác xã Thuận Phát cho biết: “Việc thành lập hợp tác xã mang lại hiệu quả rõ rệt cho địa phương. Trước đây, người dân địa phương chủ yếu làm nông hoặc đi làm xa; nhiều phụ nữ, người lớn tuổi không có việc làm lúc nông nhàn. Hợp tác xã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là phụ nữ, người lớn tuổi, người khuyết tật trong xã. Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo. Đến nay, hợp tác xã thu hút nhiều lao động ở địa phương khác như xã Vĩnh Phú, Hòa Thuận, Ngọc Hòa, Hòa An (Giồng Riềng)…”.
Phụ nữ xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc làm đồ thủ công mỹ nghệ từ lục bình.
Với nguồn nguyên liệu tại chỗ là lục bình, người lao động đan thành nhiều đồ thủ công mỹ nghệ như rổ, khay đựng trái cây, ổ nuôi mèo, túi xách, sọt… cung cấp cho các công ty ở các tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre theo đơn đặt hàng. Tùy kích thước mà mỗi sản phẩm có chi phí gia công khác nhau từ 6.000-190.000 đồng/cái.
Dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến người lao động nhiều, ngành nghề nhưng Hợp tác xã Thuận Phát vẫn có nhiều đơn đặt hàng thường xuyên, việc đan lục bình tại nhà không bị ảnh hưởng trước tình hình dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Sang, ngụ ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc nói: “Vợ chồng tôi già, không còn làm ruộng nên việc đan lục bình tại nhà rất thích hợp. Mỗi ngày tôi có thể làm từ 4-5 sản phẩm, thu nhập hơn 100.000 đồng”.
Với mục tiêu phát triển các ngành, nghề thủ công trên cơ sở tận dụng nguồn lực địa phương, thời gian tới, huyện Gò Quao tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ vay vốn ưu đãi; mở rộng liên kết với doanh nghiệp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động. Khi được đào tạo xong, người lao động ký hợp đồng với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, nhận sản phẩm gia công. Duy trì và thành lập mới mô hình kinh tế tập thể, tranh thủ đầu tư máy, nhà xưởng, trang thiết bị cho hợp tác xã, tổ hợp tác từ nguồn kinh phí của tỉnh và ngân sách huyện. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm từ cây lục bình…
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: