24/03/2021 15:18
KỊP THỜI KHEN THƯỞNG HỌC SINH ĐẠT THÀNH TÍCH CAO
Theo Ban Dân tộc tỉnh, hiện toàn tỉnh có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú và 490 điểm trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 1.375 giáo viên đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 600 triệu đồng cho các trường mua sách giáo khoa Khmer ngữ và hỗ trợ kinh phí cho giáo viên, chư tăng dạy chữ Khmer dịp hè tại các chùa.
Sư Danh Minh Cường - giáo viên Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh cho biết: “Tại chùa, học sinh không chỉ học tiếng, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc mà còn được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, vì thế càng có nhiều học sinh là con em đồng bào Khmer tham gia học”.
Tăng sinh Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Kiên Giang học ngữ văn Khmer.
Hòa thượng Danh Đổng - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Kiên Giang cho biết: “Hè năm 2020, do tình hình dịch bệnh, Hội ĐKSSYN tỉnh yêu cầu các chùa mở lớp học phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vì thế học sinh đến trường ít. Để học sinh, tăng sinh thi đua và có động lực học tập, cuối khóa học, trường thường xuyên xếp loại để kịp thời khen thưởng, động viên tăng sinh, học sinh đạt thành tích cao”.
Năm học 2020-2021, toàn tỉnh mở 4 lớp Pali với 73 tăng sinh, 2 lớp kinh luận giới với 9 tăng sinh, 13 lớp ngữ văn Khmer với 225 học sinh học. Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh mở 3 lớp Pali, kinh luận giới với 60 tăng sinh. Trong đó, 29 tăng sinh xếp loại học lực khá, giỏi, chiếm trên 48% tăng sinh toàn trường; 100% tăng sinh đủ điều kiện tham gia kỳ thi Pali, kinh luận giới toàn tỉnh năm 2020 tổ chức ngày 27 và 28-3 tại hội đồng thi chùa Rạch Sỏi, số 36 Cao Thắng, phường Vĩnh Lợi, TP. Rạch Giá.
LỒNG GHÉP TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Ngoài sử dụng giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên và chư tăng sử dụng những quyển kinh Phật bằng tiếng Khmer để thuyết giảng.
Tăng sinh Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Kiên Giang học ngữ văn Khmer.
“Ngoài những nội dung truyền đạt cho tăng sinh và đồng bào phật tử trong sách giáo khoa, trong các tiết học, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến chư tăng và đồng bào phật tử, xem đây là phương pháp dạy học giúp học viên thấm nhuần tinh thần sống tốt theo đạo và đời”, ông Huỳnh Song - giáo viên bộ môn ngữ văn Khmer, Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh cho biết.
Hoạt động dạy chữ Khmer trong các chùa trên địa bàn tỉnh được ủng hộ, khuyến khích từ chính quyền địa phương và đồng bào phật tử cả về tinh thần cũng như các hình thức hỗ trợ vật chất, kinh phí. Nhờ vậy, tinh thần học tập và ý thức của đồng bào Khmer trong việc giữ gìn chữ viết, bản sắc truyền thống dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng cao.
Thời gian tới, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương làm tốt công tác vận động học sinh là con em đồng bào Khmer học chữ Khmer dịp hè. “Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh vận động nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng, tu sửa cơ sở dạy học ở chùa; hỗ trợ tập, sách, viết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có cơ hội đến trường học chữ Khmer, qua đó nhằm bảo tồn, phát huy chữ viết Khmer trên địa bàn tỉnh”, hòa thượng Danh Đổng cho biết.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Năm 1994, Trường Dân lập Hạnh Phước được thành lập. Sau nhiều lần thay đổi, đến ngày 1-9-2008, trường mang tên Trường Mầm non - Tiểu học Hạnh Phước. Đến nay trường đã có 30 năm hoạt động. Năm 2009, Trường Mầm non - Tiểu học Hạnh Phước vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Tổng số lượt truy cập: