12/06/2023 15:28
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp trung cấp ngành y sĩ đa khoa, bác sĩ Vũ Thùy Linh, ngụ xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) được tuyển dụng vào Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang. Năm 2011, chị Linh học thêm ngành bác sĩ đa khoa ở Đại học Y Dược Cần Thơ, đến năm 2015 chị được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe, Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang.
Hiện chị Linh là bác sĩ duy nhất của cơ sở. Hàng ngày, chị khám bệnh, chăm sóc sức khỏe, làm xét nghiệm, phát thuốc điều trị cho người cai nghiện ma túy. Chị Linh cũng là một trong những người đầu tiên tiếp xúc kiểm tra sức khỏe, phân loại đối tượng, xác định bệnh lý... để có hướng điều trị cho học viên.
Bác sĩ Vũ Thùy Linh - Trưởng Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe, Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang khám bệnh cho học viên.
Theo bác sĩ Vũ Thùy Linh, môi trường làm việc ở cơ sở khác các bệnh viện, cơ sở y tế. Ở đây, học viên cai nghiện ma túy có thể mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh nguy hiểm, dễ lây nhiễm như lao phổi, viêm gan, HIV/AIDS... Nhiều học viên tâm lý không ổn định, quá trình điều trị lên cơn chống đối. “Tôi từng phải điều trị phơi nhiễm ARV (HIV/AIDS) khi vô tình bị lây nhiễm từ học viên. Môi trường làm việc tiềm ẩn nguy hiểm nên cha mẹ khuyên tôi nghỉ việc, nhưng vì trách nhiệm, lương tâm và lòng yêu nghề nên tôi không bỏ việc”, bác sĩ Linh nói.
Làm công tác quản lý học viên nữ tại Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang, chị Thị Ngân, ngụ xã Thới Quản, huyện Gò Quao (Kiên Giang) nhiều lần muốn nghỉ việc vì nhớ nhà và áp lực. Thời gian đầu làm việc, chị Ngân thấy bất an, lo lắng khi hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều học viên có tiền án, tiền sự.
Chị Ngân chia sẻ: “Lúc mới làm tại cơ sở tôi còn trẻ, chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn. Nơi làm việc heo hút, xung quanh toàn người nghiện, thường xuyên lên cơn la hét, quậy phá, tôi rất sợ. Mỗi tháng, tôi được được nghỉ phép về nhà 8 ngày, thời gian dành cho gia đình hạn chế khiến tôi nhớ nhà, muốn nghỉ việc. Nhờ đồng nghiệp quan tâm, động viên giúp tinh thần tôi tốt hơn, quen với công việc”.
Chị Thị Ngân - viên chức Phòng Bảo vệ - Quản lý học viên, Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang theo dõi học viên học nghề.
Theo đồng chí Đặng Tuấn Sinh - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang, cơ sở có 63 viên chức, người lao động nhưng quản lý, chăm sóc hơn 500 học viên. Nhiều học viên có tâm lý không ổn định, thậm chí có tư tưởng bỏ trốn, tự hủy hoại bản thân hoặc có hành vi tiêu cực. Do đó, người làm công tác quản lý phải kiểm tra, giám sát học viên 24/24 giờ; tuần tra, canh gác, nắm thông tin, tình hình tư tưởng của học viên, đảm bảo trật tự, an toàn tại cơ sở.
Ngoài công tác chuyên môn, các y, bác sĩ, người làm công tác quản lý phải thường xuyên tư vấn, động viên, giúp học viên vượt qua quá trình cắt cơn và phục hồi sức khỏe; đồng thời cần rèn luyện tác phong nhanh nhẹn, bình tĩnh, xử lý tình huống nhanh, hiệu quả.
“Môi trường làm việc ở cơ sở mang tính đặc thù nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng. Viên chức, người lao động khi làm việc ở cơ sở chịu nhiều áp lực và không có thời gian dành cho gia đình hay kiếm thêm thu nhập, do đó nhiều trường hợp vào làm việc chỉ một thời gian ngắn, từ đó cơ sở thường xuyên thiếu người, thiếu 7 biên chế so biên chế được UBND tỉnh Kiên Giang giao, vị trí bác sĩ nhiều năm liền không có hồ sơ ứng tuyển”, đồng chí Đặng Tuấn Sinh nói.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Năm 1994, Trường Dân lập Hạnh Phước được thành lập. Sau nhiều lần thay đổi, đến ngày 1-9-2008, trường mang tên Trường Mầm non - Tiểu học Hạnh Phước. Đến nay trường đã có 30 năm hoạt động. Năm 2009, Trường Mầm non - Tiểu học Hạnh Phước vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Tổng số lượt truy cập: