23/08/2023 13:57
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) cho biết, xã có 66 kênh, rạch tự nhiên, nhiều tuyến đường không có cầu giao thông nông thôn hay cầu bị xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương của người dân.
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước mỗi năm còn hạn chế, xã tranh thủ nguồn lực xã hội để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng với mục tiêu bê tông hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường giao thông nối liền các ấp đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn đòi hỏi nguồn lực lớn, do đó xã tích cực vận động nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện và người dân cùng đóng góp kinh phí thực hiện. Xã thường xuyên phân công cán bộ xã phối hợp với trưởng ban lãnh đạo các ấp tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận hiến đất, đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn.
"Xã đặc biệt chú trọng công tác công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn hỗ trợ; đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng công trình. Đồng thời, giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện giúp địa phương có thêm nguồn lực xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn cũng như thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn”, đồng chí Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết.
Cầu Ngọc Sơn, xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) vừa được khánh thành.
Với sự linh hoạt, chủ động, cấp ủy Đảng, chính quyền, xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) có nhiều bứt phá trong xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn. Từ năm 2015-2022, xã vận động xây dựng 22 cây cầu và 19 tuyến đường giao thông nông thôn có mặt đường rộng từ 2-3,5m, tổng chiều dài 49,5km.
6 tháng đầu năm 2023, xã vận động xây dựng tuyến đường dài 3,1km; khánh thành và đưa vào sử dụng 6 cây cầu giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Các cây cầu xây dựng mới đều có kết cấu bê tông cốt thép, rộng từ 2,3-3,5m, tải trọng 2 tấn trở lên. Nhiều cây cầu có vị trí quan trọng kết nối các ấp giúp người dân đi lại, giao thương.
Sinh ra và lớn lên ở ấp 7 Chợ, xã Đông Thái, ông Võ Văn Mưa (56 tuổi) nắm rõ sự phát triển của quê hương. Theo lời ông Mưa kể, 7 năm trước, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã vẫn là đường đất, trời mưa đường lầy lội, trơn trượt, đi lại rất khó khăn. Những năm gần đây đường được bê tông hóa, đi lại dễ dàng hơn.
Ông Mưa nói: "Người dân phấn khởi hơn khi cầu Ngọc Sơn vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cầu Ngọc Sơn rộng 2,5m với tổng kinh phí xây dựng hơn 120 triệu đồng nối liền hai ấp Phú Hưởng và 7 Chợ, từ đây người dân thoát cảnh ngăn sông, cách đò”.
Chị Võ Thị Nhi, ngụ ấp 7 Chợ nói: “Trước đây, ấp 7 Chợ và ấp Phú Hưởng không có cầu, người dân di chuyển bằng bè tự chế hoặc xuồng rất bất tiện. Vì thế người dân ao ước có cầu bê tông để nối liền hai ấp, nay mong ước đã thành hiện thực. Tôi tin rằng giao thông thuận lợi, việc phát triển kinh tế của người dân sẽ dễ dàng hơn”.
Nối tiếp thành công trong xây dựng hạ tầng giao thông, Đảng ủy, UBND, Mặt trận và đoàn thể xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) tiếp tục huy động sức mạnh xã hội hóa xây dựng thêm nhiều công trình phúc lợi, chăm lo cho người dân.
Tháng 9-2023, xã Đông Thái dự kiến xây dựng tuyến đường 2,7km; một cây cầu giao thông nông thôn; 2 căn nhà tình nghĩa, 4 căn nhà tình thương và tặng hơn 100 suất quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã từ nguồn xã hội hóa, góp phần chăm lo đời sống người dân địa phương.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: