09/02/2024 17:16
Anh Phạm Lê Vũ, ngụ huyện Gò Quao (Kiên Giang) hiện đang làm công việc chạy xe ôm, anh Vũ không đón tết cùng gia đình mà nhận chở khách, chở hàng xuyên tết.
Anh Vũ bộc bạch: “Tôi và vợ không sắm sửa nhiều hay cầu kỳ vì tôi sẽ làm việc xuyên tết. Năm nào cũng vậy, tôi sẽ chạy xe đến đêm 30 tết sau đó trở về phòng trọ để bày một mâm cúng nhỏ đón giao thừa rồi lại tiếp tục chạy ra đường rước khách...".
"Nhìn thấy nhiều gia đình sum vầy ngồi bên nhau còn mình đón tết ngoài đường tôi cũng chạnh lòng lắm nhưng vì mưu sinh nên cố gắng, chỉ có dịp tết thì xe ôm truyền thống như chúng tôi mới có nhiều việc để làm nên tranh thủ kiếm thêm thu nhập”, anh Vũ kể tiếp.
Tài xế xe ôm truyền thống thường tập trung ở bến phà, bến xe để đợi chở hàng, chở khách trong dịp Tết.
Dịp Tết cũng là thời gian mà các shipper (người giao hàng) phải làm việc liên tục vì nhu cầu mua sắm online của khách tăng cao.
Anh Phan Hoàng An hiện đang là người giao hàng cho nhiều công ty vận chuyển ở khu vực Kiên Giang. Anh An cho biết thời điểm cuối năm có ngày phải ngồi trên xe và di chuyển liên tục 12 tiếng trên đường, nếu đói thì lót dạ bằng ổ bánh mì hoặc hộp cơm.
Anh An chia sẻ thêm: “Do nhu cầu mua sắm dịp tết của khách hàng tăng cao nên số lượng hàng cần giao có thể gấp 2, 3 lần bình thường. Tôi phải soạn đơn hàng, liên hệ với khách, chạy giao hàng liên tục từ sáng sớm đến tận tối khuya. Biết khách mong nhận hàng nên chúng tôi cũng cố gắng tranh thủ giao trong giờ nghỉ trưa. Năm nay tôi sẽ làm việc đến hết ngày 29 tết rồi về thăm nhà vài ngày sau đó trở lại với công việc”.
Các shipper phải làm việc liên tục trong dịp Tết Nguyên đán.
Ông Danh Của, ngụ thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) hiện đang lái phà ở các bến phà tại huyện Hòn Đất. Mỗi ngày ông Của sẽ bắt đầu công việc từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ đêm, lượng khách đi phà những ngày cận tết rất đông nên ông Của cùng các đồng nghiệp phải làm việc liên tục.
“Tôi không nghỉ tết vì nhu cầu đi lại dịp tết của khách rất lớn. Những ngày này tôi có thể chở hàng trăm lượt khách và hàng hóa là bình thường. Ngồi cả ngày trên phà, nắng nóng, khuân vác nhiều đồ nặng lên xuống phà cho khách nên thường đau nhức”, ông Của tâm sự.
Vì số lượng các chuyến phà trong ngày tăng cao nên người lái phà phải làm việc vất vả hơn trong dịp Tết.
Đã 7 năm, anh Đặng Văn Thum, ngụ xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất không đón giao thừa với gia đình. Anh Thum là phụ xe (lơ xe) cho các chuyến xe khách đường dài tuyến Kiên Giang - TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang - Bình Phước...
Anh Thum cho biết các chuyến xe khách đường dài hoạt động xuyên tết nên tài xế, phụ xe hầu như không có thời gian đón tết với gia đình. Đồng hành cùng mọi người trên các chuyến xe về quê, thấy ai cũng mang nhiều quà về nhà, anh vừa vui vừa buồn vì mình không thể dành nhiều thời gian cho cha, mẹ dịp tết.
"Tôi với các anh em động viên nhau hoàn thành tốt công việc rồi về nhà đón tết, muộn một chút nhưng có thêm ít thu nhập về lì xì cho gia đình. Chúng tôi thường đón tết trên xe hoặc ở bến xe bằng cách mua một ít đồ ăn vặt yêu thích rồi cùng nhau nhâm nhi, xem táo quân trên điện thoại”, anh Thum nói.
Bài và ảnh: TƯỜNG VI
(KGO) - Ngày 22-11, vòng chung kết cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần III, năm 2024 - INNOBE 2024 diễn ra tại Trường Đại học Kiên Giang.
Tổng số lượt truy cập: