30/01/2023 09:53
Cừ Đứt vốn là cù lao nằm giữa đầm Đông Hồ, vị trí tách biệt khỏi các xã, phường còn lại của TP Hà Tiên (Kiên Giang). Từ trung tâm TP. Hà Tiên, du khách phải đi vỏ lãi rẽ theo hướng sông Giang Thành mới vào được xóm Cừ Đứt.
Phần lớn du khách cũng như người dân chọn cách di chuyển bằng vỏ lãi để đến với xóm Cừ Đứt.
Tên gọi Cừ Đứt xuất phát từ sự việc “đứt cừ” cố định đất hai bên bờ sông khi khơi thông khu vực Vàm Hàn. Sau 1998, người dân mới đến đây đông đúc hơn. Càng đi sâu vào xóm, mật độ nhà cửa càng đông đúc, dân cư ngụ hai bên bờ kéo dài khoảng 4km.
Ông Trần Văn Lập, ngụ khu phố 5, phường Đông Hồ cho biết: “Tôi về đây từ năm 1987, nguyên xóm chưa được 200 nóc nhà, nay gần 1.000 ngôi nhà. Hồi trước, sáng có một chiếc đò chạy ra chợ, chiều chạy về. Giờ đây đời sống người dân phát triển hơn nhiều, xóm Cừ Đứt đã có điện, đường, trường, trạm y tế đầy đủ”.
Các tuyến đường đất tại xóm Cừ Đứt được thay thế bằng các tuyến đường bê tông.
Xóm Cừ Đứt nằm trọn trong đầm Đông Hồ. Điều kiện tự nhiên tại đầm còn hoang sơ. Hệ thống rừng ngập mặn với hơn 25 loài cây tạo thành vành đai xanh ngăn lũ, bảo vệ đê biển. Hệ sinh thái động thực vật đa dạng, độc đáo. Đầm Đông Hồ là một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống đầm phá ven biển Việt Nam.
Ai khi đến đây lần đầu, đều ấn tượng với những rừng dừa nước xanh bạt ngàn. Hơn 3 năm không đến với xóm Cừ Đứt, anh Nguyễn Hoài Hận, ngụ xã Hòa An, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) nhận xét: “Cừ Đứt đã thay đổi rất nhiều so với trước. Năm 2010, tôi đến thuê đất để nuôi tôm, lúc đó còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, điều kiện khó khăn. Giờ, nhà cửa khang trang, đường sá thuận tiện...”.
Khách du lịch đến tham quan điểm du lịch sinh thái Lâm Cường, thuộc khu phố 5, phường Đông Hồ.
Chằm lá - một trong những nghề đầu tiên xuất hiện tại xóm Cừ Đứt. Hiện còn khoảng 10 hộ gia đình bám trụ với nghề. Nghề chằm lá, chính quyền cùng người dân đã và đang đưa vào mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái đầm Đông Hồ.
Bà Lê Thị Xuyến là thế hệ thứ hai làm nghề chằm lá, chia sẻ: “Chằm lá thu nhập không cao, mấy chục năm gắn bó với nghề, cái tình cái nghĩa với lá dừa nước quê hương. Vì muốn giữ nghề xưa, với lại chằm lá cũng nhẹ nhàng, dễ làm. Từ một vùng quê nghèo khó, xóm Cừ Đức đã thực sự thay da đổi thịt”, bà Xuyến nói.
Bên cạnh những nghề truyền thống, người dân Cừ Đứt còn nuôi trồng thủy hải sản, hiệu quả đạt khá. Mô hình nuôi tôm quảng canh không ngừng được mở rộng.
Bên cạnh những nghề truyền thống, người dân Cừ Đứt đã phát triển kinh tế nuôi trồng thủy hải sản.
Bên cạnh đó, điểm du lịch sinh thái Lâm Cường tại khu phố 5, phường Đông Hồ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch vào các dịp lễ, tết.
“Khi bạn quá mệt mỏi với công việc thì đến với đầm Đông Hồ được hòa mình với thiên nhiên, thư giãn thực sự. Tôi đến đây lần đầu, thực sự ấn tượng với khung cảnh và ẩm thực ởi đây” chị Đặng Hồng Thắm, ngụ xã Lộc Khánh huyện Lộc Ninh (Bình Phước) cho biết.
Xóm Cừ Đứt khoác lên mình một màu xanh đẹp thu hút nhiều khách du lịch đến nơi đây.
Từ xóm dân cư hiu hắt, nằm tách biệt giữa đầm nước, Cừ Đứt đã “thay da đổi thịt”. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã triển khai khá tốt việc “Khai thác phải đi đôi với bảo tồn, gìn giữ hệ sinh thái đầm nước”, bảo tồn được sự đa dạng nguồn lợi tự nhiên, cũng là kế sinh nhai của người dân Cừ Đứt.
DANH THÀNH thực hiện
(KGO) - Ngày 23 và 24-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang phối hợp đoàn bác sĩ Nhân ái (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Y tế huyện An Biên và Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 357 bệnh nhân nghèo.
Tổng số lượt truy cập: