07/09/2022 10:23
ĐỔI MỚI NỘI DUNG, TĂNG THỜI LƯỢNG PHÁT SÓNG
Tổ Khmer, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang ban đầu được thành lập với nhiệm vụ tổ chức sản xuất tin bài, biên dịch tin, bài, thực hiện chương trình văn nghệ, giải trí với thời lượng 15 phút/ngày. Đến năm 1996, Tổ Khmer sản xuất bản tin truyền hình đầu tiên.
Ông Danh Tích - nguyên Tổ trưởng Tổ Khmer cho biết: “Lúc mới thành lập tổ có 5 người, còn nhiều khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất và nhân sự, đảm nhiệm nhiều công việc như sửa, duyệt tin bài, kỹ thuật, đọc, dịch. Mặc dù khó khăn nhưng chúng tôi cùng nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Năm 2013, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang thành lập Phòng Biên tập tiếng Khmer với nhiệm vụ sản xuất chương trình chuyên mục, chuyên đề, thời sự tổng hợp và văn nghệ phát trên sóng KG và KG1 với thời lượng 60 phút/ngày. Năm 2017, chương trình tiếng Khmer tăng thời lượng lên 180 phút/ngày trên kênh KG1. Năm 2019, Phòng Biên tập tiếng Khmer xây dựng kế hoạch đổi mới nội dung sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình với 14 chuyên đề, chuyên mục.
Đồng chí Chương Nhỏ - Trưởng Phòng Biên tập tiếng Khmer cho biết: “Bên cạnh thực hiện đa dạng, phong phú về nội dung tuyên truyền về dân tộc, biên giới, hải đảo, chương trình tiếng Khmer còn tăng thời lượng phát sóng trên các kênh nhằm kịp thời cung cấp thông tin về sự kiện quan trọng trong tỉnh, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc”.
Phóng viên Mai Phương - Phòng Biên tập tiếng Khmer, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang tác nghiệp.
Để thu hút khán, thính giả, phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên của Phòng Biên tập tiếng Khmer luôn trau dồi, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Sau gần 15 năm phụ trách công tác dân tộc, tôn giáo, biên giới, hải đảo, đồng chí Mai Phương - phóng viên Phòng Biên tập tiếng Khmer cho biết: “Được tác nghiệp, gặp gỡ và viết bài về những tấm gương vùng đồng bào Khmer để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, đặc biệt trong lúc tình hình dịch COVID-19 bùng phát, tôi và đồng nghiệp đến các ổ dịch để ghi nhận và phối hợp các huyện, thành phố, biên dịch văn bản thành tiếng Khmer để tuyên truyền đến vùng đồng bào Khmer, giúp đồng bào kịp thời nắm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
GÓP PHẦN BẢO TỒN BẢN SẮC DÂN TỘC
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, chương trình tiếng Khmer góp phần trong bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc. Đại đức Danh Út - trụ trì chùa Thôn Dôn, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết: “Sư thấy chương trình tiếng Khmer đổi mới, phản ánh thiết thực đời sống của đồng bào dân tộc. Sư mong chương trình tăng thời lượng để bà con nắm và hiểu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Ông Danh Xanh, ngụ xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) chia sẻ: “Tôi thường xuyên theo dõi chương trình tiếng Khmer. Chương trình hay, giúp tôi hiểu nhiều về chính sách, pháp luật của Nhà nước, dân tộc, học nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, tấm gương tiêu biểu trong đồng bào và nhiều chương trình ca nhạc, giải trí hấp dẫn”.
Phần lớn đồng bào Khmer ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới giao tiếp bằng ngôn ngữ dân tộc, từ đó chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer là cầu nối giữa Đảng với đồng bào Khmer, giúp bà con tiếp cận chính sách dân tộc.
“Tôi thích nghe chương trình phát thanh. Cứ đến 11 giờ, tôi mở radio nghe chương trình phát thanh tiếng Khmer, lúc ra đồng hay làm vườn tôi cũng nghe. Chương trình giúp tôi học cách làm hay về trồng trọt, chăn nuôi để tôi áp dụng vào cuộc sống”, ông Danh Sung, ngụ xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang) cho biết.
Theo đồng chí Lê Văn Chuyển - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, trải qua 45 năm thành lập và phát triển, các chương trình tiếng Khmer phát triển mạnh.
“Ban giám đốc đài tiếp tục đổi mới chương trình bằng cách tăng cường thực hiện nhiều chương trình mới, nhất là thực hiện phóng sự “Chuyện tử tế” nhằm tôn vinh, ca ngợi tấm gương tiêu biểu trong đồng bào Khmer. Thời gian tới, đài từng bước đổi mới, sáng tạo để đưa chương trình tiếng Khmer đến với nhiều khán, thính giả hơn”, đồng chí Lê Văn Chuyển nói.
“Thông qua việc tiếp cận chương trình tiếng Khmer của Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, đồng bào Khmer có thể nắm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào trong việc thực hiện chính sách dân tộc. Nhiều người dân có kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, trở thành nhân tố điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, khơi dậy ý thức vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no”, đồng chí Danh Phúc - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang đánh giá.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: