08/06/2021 08:31
Bà Trần Thị Kỉnh, sinh năm 1961, là chủ doanh nghiệp Minh Chiến chuyên sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình hơn 15 năm qua. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình của bà Kỉnh đa dạng từ giỏ, túi xách, dép và nhiều món quà lưu niệm khác. Vốn có tay nghề làm nên sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình, bà Kỉnh được nhiều hội, đoàn thể mời dạy nghề đan đát cho phụ nữ, thanh niên, nông dân, từ đó bà có cơ hội đi nhiều nơi.
Tháng 9-2020 trong chuyến công tác ở huyện Giang Thành, bà thấy cỏ bàng được người dân địa phương đan thành đệm, giỏ xách, nhưng mẫu mã không đẹp, giá bán thấp. Cùng với cỏ bàng, cây u du được biết đến với chiếu u du nổi tiếng của huyện Tân Châu (An Giang) cũng được bà Kỉnh chọn làm nguyên liệu để may giỏ, túi xách.
Do điều kiện xa vùng nguyên liệu, không thể mua cỏ bàng, cây u du về đan rồi cắt may, bà Kỉnh chọn đệm bàng, chiếu u du đã thành phẩm để làm nguyên liệu. Từ đệm bàng, chiếu u du, bà Kỉnh và chị em phụ nữ trên địa bàn phường Vĩnh Hiệp cắt may thành túi, giỏ xách, ba lô với mẫu mã đa dạng phục vụ cho từng lứa tuổi.
Ba lô, giỏ, túi xách được may, đan từ cỏ bàng, chiếu u du, lục bình còn được bà Kỉnh và các chị em phụ nữ sáng tạo thêm bằng cách vẽ tranh lên sản phẩm hay kết hợp với vải thổ cẩm làm cho sản phẩm thêm đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Hình ảnh tranh vẽ hay vải thổ cẩm có thể là hình hoa mai, hoa đào, bánh chưng, dưa hấu của ngày tết, hình ảnh cô gái mặc áo dài Việt Nam, khung cảnh làng quê Việt Nam…
Bà Trần Thị Kỉnh (bên trái) trao đổi với chị Đoàn Thị Hồng Diễm về việc may ba lô từ u du.Ảnh: TRÚC LINH
Anh Trương Hoàng Giang, ngụ TP. Rạch Giá chia sẻ: “Một lần đến Vincom Plaza Rạch Giá, tôi thấy các túi xách, ba lô được làm từ lục bình, cỏ bàng, chiếu u du được chị Kỉnh bày bán trông rất đẹp, độc đáo nên tôi đã mua một ba lô làm từ chiếu u du làm quà tặng vợ. Vợ tôi xách chiếc ba lô này đi đây đó được rất nhiều người hỏi thăm vì thấy nó vừa đẹp, vừa lạ”.
Hiện bà Kỉnh duy trì tạo việc làm cho hơn 40 người, chủ yếu là phụ nữ đan, may sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giúp mỗi chị có thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/tháng. Quan trọng là chị em có thể làm công việc này tại nhà, vừa làm vừa chăm sóc gia đình, không phải ra ngoài kiếm việc làm vất vả trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Chị Đoàn Thị Hồng Diễm - cộng sự của bà Kỉnh, ngụ khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp cho biết: “Sản phẩm làm ra từ lục bình có giá bán từ 150.000 - 200.000 đồng/cái. Sản phẩm làm ra từ đệm bàng và chiếu u du có giá bán từ 200.000 - 280.000 đồng/cái”.
Những sản phẩm làm từ lục bình, đệm cỏ bàng, chiếu u du nếu được sử dụng hợp lý, không để ẩm ướt, thời gian sử dụng có thể được vài năm, thậm chí đến 10 năm nếu bảo quản tốt. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Rạch Giá, các ngành phối hợp tổ chức cho bà Kỉnh và hội viên phụ nữ trưng bày và bán sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm thương mại…
Tuy nhiên, sản phẩm chưa có nơi bày bán thường xuyên nên chưa tiếp cận được người tiêu dùng. Bà Kỉnh nói: “Tôi tiếp tục nghiên cứu để sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mình đáp ứng được yêu cầu của thị trường, được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp chính quyền, người tiêu dùng, tạo thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ. Tôi cũng hy vọng mô hình này được nhân rộng, hoạt động hiệu quả, có nhiều người sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường”.
TRÚC LINH - YẾN NGỌC
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: