25/05/2020 10:26
NGƯỜI TRẺ NÊN ĐÓNG BHXH TỰ NGUYỆN
Tham gia buổi tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện của ngành BHXH tỉnh, nhiều hộ dân chia sẻ đây là chính sách an sinh xã hội lớn của Nhà nước mà người dân được hưởng lợi trực tiếp. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, ngụ phường Rạch Sỏi (TP. Rạch Giá) cho biết: “BHYT hộ gia đình cần thiết đối với người lớn tuổi, còn BHXH tự nguyện là hình thức tiết kiệm hay dành cho người trẻ. Còn trẻ nên đóng BHXH tự nguyện để về sau có lương hưu”, bà Mai nói.
Chị Trần Thu Giang, ngụ phường An Bình (TP. Rạch Giá) mua BHYT hộ gia đình cho cả gia đình. Chị Giang có công việc ổn định và được công ty đóng BHXH nên không tham gia tiếp BHXH tự nguyện. Chị mua BHXH tự nguyện cho chồng. “Tôi thấy ai còn trẻ và chưa đóng BHXH thì nên tham gia BHXH tự nguyện vì đây là chính sách của Nhà nước, không lo rủi ro”, chị Giang nói.
Anh Nguyễn Trọng Đạt, ngụ xã Phi Thông (TP. Rạch Giá), là giáo viên cấp 2 nhưng anh không theo nghề mà mở trung tâm dạy thêm. Với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, anh Đạt tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng trên 500.000 đồng/tháng và đóng 6 tháng/lần. “Tôi thấy mức đóng trên phù hợp điều kiện của gia đình. Nếu sau này thu nhập cao hơn, tôi sẽ nâng mức đóng để về già được hưởng mức lương cao hơn”, anh Đạt cho biết.
Theo anh Đạt, BHXH là chính sách của Nhà nước, không vì mục đích thương mại nên không sợ rủi ro như các loại bảo hiểm khác. Anh xem đây là khoản tích lũy của cá nhân để về già không phải dựa dẫm vào con. “Giờ tôi còn sức lao động kiếm tiền nên lo xa. Sau này già nhờ con chăm sóc thì tội con, nếu con cũng nghèo thì trông vào đâu nên tốt nhất tôi chủ động lo cho tuổi già…”, anh Đạt chia sẻ.
Công dân Việt Nam từ 15 tuổi không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được tham gia. Khi đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội và đủ tuổi hưu thì hưởng chế độ hưu trí hàng tháng. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn các phương thức đóng: Đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm và đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đủ tuổi hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) để đủ 20 năm và hưởng lương hưu. Trường hợp đủ tuổi hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 10 năm thì tiếp tục đóng đến khi không quá 10 năm thì được đóng 1 lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. |
KHÔNG NÊN HƯỞNG BHXH 1 LẦN
Trước đây, chị Nguyễn Xuân Lan, ngụ xã Giục Tượng (Châu Thành) làm công nhân ở một công ty và chị được đóng các khoản bảo hiểm. Làm 4 năm, chị nghỉ về nhà buôn bán và đến cơ quan BHXH làm thủ tục nhận BHXH 1 lần. “Lúc đó, nhân viên BHXH khuyên tôi không nên rút BHXH vì còn trẻ, có thể bảo lưu để sau này chuyển đến công ty khác làm việc hoặc khi điều kiện kinh tế khá có thể đóng nối để sau này có lương hưu nhưng tôi suy nghĩ không thấu đáo nên quyết định nhận BHXH 1 lần…”, chị Lan nói. Sau nhiều năm kiếm tiền, chứng kiến nhiều người già không có lương hưu, con khó khăn khiến chị Lan đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng gần 1 triệu đồng/tháng, khi đến tuổi hưu chị nhận lương hơn 5 triệu đồng/tháng.
Thấy lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, chị Nguyễn Thanh Hương (chị ruột chị Lan) tìm hiểu và quyết định đóng BHXH tự nguyện với mức đóng gần 1 triệu đồng/tháng. Chị Hương chia sẻ: “Đây là mức đóng phù hợp thu nhập của tôi. Tôi làm nghề tự do, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tiền tham gia BHXH tự nguyện là khoản tôi tích góp để sau này về già được hưởng các chế độ như lương hưu, BHYT, không phải phiền con cháu”.
Đồng chí Nguyễn Công Chánh - Phó Giám đốc BHXH tỉnh khuyến cáo, người dân nên cân nhắc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vì điều này có ích cho bản thân mỗi người. Hiện có rất nhiều phương thức đóng BHXH tự nguyện, BHYT để người dân chọn. Hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng tham gia được và Nhà nước luôn hỗ trợ các đối tượng này.
TRUNG HIẾU
(KGO) - Những năm qua, đời sống đồng bào Chăm tại huyện An Biên (Kiên Giang) thay đổi tích cực. Người dân phát huy tinh thần đoàn kết và hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế gia đình. Đồng bào Chăm đã nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện đời sống, giảm nghèo và góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Tổng số lượt truy cập: