16/11/2023 13:58
Cơ sở Hương Sơn thường xuyên tổ chức thuyết pháp, “giải nghiệp” cho người dân đến cơ sở này. Ảnh chụp chiều ngày 27-10-2023.
SỞ Y TẾ YÊU CẦU NGỪNG HOẠT ĐỘNG
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trúc Giang - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Kiên Giang cho biết, Sở Y tế và UBND huyện Châu Thành đã lập biên bản, xử lý cơ sở Hương Sơn. Theo đó, ngày 5-12-2019, đoàn kiểm tra của UBND huyện Châu Thành làm việc với cơ sở Hương Sơn và có báo cáo, kiến nghị Sở Y tế để hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngày 9-12-2019, đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã kiểm tra cơ sở Hương Sơn. Ngày 13-12-2019, đại diện đoàn kiểm tra làm việc với đại diện cơ sở Hương Sơn là ông Huỳnh Hoàng Sơn và bà Tạ Thị Thanh Hương (vợ ông Sơn). Đại diện cơ sở Hương Sơn thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1, Điều 69, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, điểm a, khoản 1, Điều 2, Thông tư 07/2015/TT-BYT, ngày 3-4-2015 của Bộ Y tế quy định chi tiết điều kiện, thủ tục cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh.
Đại diện cơ sở cam kết sẽ ngưng hoàn toàn hoạt động chữa bệnh theo phương pháp "mới" - xoa, bóp chỗ đau của bệnh nhân từ ngày 23-12-2019 đến khi có đầy đủ điều kiện hành nghề. Sở Y tế Kiên Giang ra thông báo đến Chủ tịch UBND huyện Châu Thành chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định pháp luật nếu có sai phạm.
Bên ngoài cơ sở Hương Sơn là một cơ sở bán đồ gỗ nhưng phía sau nhà lại lén lút tổ chức “giải nghiệp” bằng cách… vuốt.
Ngày 25-11-2020, cơ sở Hương Sơn có Tờ trình 25.11/TT-HS gửi các cơ quan Trung ương và địa phương xin phép hoạt động theo mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, có đính kèm nhiều văn bản.
Theo Sở Y tế Kiên Giang, trong Quyết định 617/QĐ-LHHVN, ngày 30-8-2016 của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam về công nhận hội đồng quản lý Viện nghiên cứu phát triển doanh nghiệp và cộng đồng không có tên của cơ sở Hương Sơn. Tuy nhiên, đến ngày 20-1-2020, Viện nghiên cứu phát triển doanh nghiệp và cộng đồng ban hành Quyết định 20.01/QĐ-IECOD về việc phê duyệt đề án thành lập và tổ chức hoạt động trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng Hương Sơn là chưa phù hợp vì hiện nay Bộ Y tế chỉ có chương trình phối hợp với Hội Giáo dục và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2019-2026.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trúc Giang cho biết từ khi cơ sở Hương Sơn cam kết ngưng hoàn toàn hoạt động đến nay sở chưa nhận được thêm phản ánh của tổ chức, cá nhân nào về việc vi phạm của cơ sở này. Qua phản ánh của báo chí về những vi phạm của cơ sở trên, Thanh tra Sở Y tế tiếp nhận thông tin và sẽ có thanh tra đột xuất, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Hiệp (huyện Châu Thành) Lưu Hồng Cưng cho rằng đối với những việc làm vi phạm pháp luật, chính quyền địa phương cương quyết xử lý. Thời gian tới, UBND xã Vĩnh Hòa Hiệp tăng cường kiểm tra cơ sở Hương Sơn, kiến nghị ngành chức năng và UBND huyện kiểm tra, xử lý.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Lê Quang Định khẳng định: "Cơ sở Hương Sơn từng bị cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, lập biên bản, xử phạt và buộc cam kết dừng hoạt động. Quan điểm của huyện là cương quyết xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật".
Người dân đến chữa bệnh, “giải nghiệp” tại cơ sở Hương Sơn, chiều ngày 26-10-2023.
KHÔNG THUỘC HỆ THỐNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO
Thượng tọa Thích Minh Nhẫn - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho rằng qua điều tra của phóng viên Báo Kiên Giang, giáo hội khẳng định cơ sở Hương Sơn không thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang.
Thượng tọa Thích Minh Nhẫn nhấn mạnh: “Về mặt tư tưởng kinh điển thì không có sự nhập xác của Bồ Tát Quán Thế Âm. Tất cả hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Phật giáo đều phải được cơ quan chức năng cấp phép theo luật định. Những nơi chưa đủ điều kiện để thành lập cơ sở tôn giáo, tự viện thì tỉnh cũng tạo điều kiện để hoạt động, nhưng theo quy định của pháp luật. Trong xã hội đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật không có lý do gì phải sinh hoạt tín ngưỡng lén lút, không hợp pháp”.
Thượng tọa Thích Minh Nhẫn thông tin không riêng Kiên Giang mà ở một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước và trên thế giới có xuất hiện những đạo lạ, núp bóng với hình thức của Phật giáo. “Các đạo lạ này lấy một đoạn trong bài kinh của Phật giáo, ví dụ như đoạn đầu là Chú Đại bi của Phật giáo nhưng đoạn giữa lồng ghép nội dung không đúng với tinh thần Phật giáo, đoạn cuối lại là nội dung của kinh điển Phật giáo…”, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn lý giải thêm.
Theo Ban Tôn giáo tỉnh Kiên Giang, cơ sở Hương Sơn chưa từng được cấp phép hoạt động tôn giáo.
PHẢN KHOA HỌC VÀ CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM PHÁP LUẬT
Về phương pháp y học cổ truyền, bác sĩ chuyên khoa II Lâm Thu Thủy - Phó Giám đốc Bệnh viện Y Dược cổ truyền Kiên Giang cho biết cách chữa bệnh bằng cách vuốt như cơ sở Hương Sơn là sai quy định, mê tín, dị đoan khi chữa bệnh mà không dùng thuốc hay thiết bị y học hiện đại nào mà chỉ cần dùng tay vuốt lên chỗ đau của người bệnh rồi đọc vài câu thần chú là có thể hết bệnh.
“Với cách chữa bệnh này có thể làm cho người bệnh không khỏi bệnh mà còn nặng thêm. Do đó, người dân phải sáng suốt chọn cơ sở y tế có uy tín để khám, điều trị bệnh, tránh tình trạng tiền mất tật mang”, bác sĩ chuyên khoa II Lâm Thu Thủy nhấn mạnh.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lâm Thu Thủy, người dân khi cần khám, chữa bệnh bằng các phương pháp không dùng thuốc có thể đến các cơ sở y tế trong tỉnh. Các y, bác sĩ khám, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, hợp lý cho người bệnh.
Hiện cơ sở y tế có sử dụng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt được áp dụng trong điều trị và phòng ngừa bệnh mang lại hiệu quả cao. Với các kỹ thuật như xoa, xát, miết, day, phân, hợp… kết hợp với day ấn vào huyệt đạo giúp điều trị và phòng ngừa bệnh. Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả và có khoa học so với việc chữa bệnh bằng cách vuốt vào chỗ đau của các vị “thần y”.
Người dân được “chăm sóc sức khỏe”, “giải nghiệp” bằng cách vuốt tại cơ sở Hương Sơn, chiều 20-10-2023.
Theo luật sư Đoàn Công Thiện - nguyên Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang, cơ sở Hương Sơn vi phạm pháp luật về hoạt động tín ngưỡng và hành nghề khám, chữa bệnh. Cụ thể đối với hoạt động tín ngưỡng, theo quy định tại chương III, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở Hương Sơn không đủ điều kiện của loại hình tín ngưỡng; không thực hiện đăng ký để được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoạt động hợp pháp. Vì vậy, các nội dung mà cơ sở này thực hiện thời gian qua đều trái pháp luật. Xét về bản chất và ý nghĩa của hoạt động tín ngưỡng, cơ sở Hương Sơn thực hiện hành vi mang tính lừa dối, mê tín, tạo ra nhận thức ảo tưởng (không có thật) cho mọi người. Hành vi này cần phải được lên án và xử lý nghiêm khắc.
Luật sư Đoàn Công Thiện cho biết theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, người hoạt động khám, chữa bệnh phải có đủ trình độ chuyên môn, phải có giấy phép hành nghề. Nếu người của cơ sở Hương Sơn không phải là y bác sĩ, thầy thuốc được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề là vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 19, Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
"Động tác vuốt bệnh nhân mà những người tại cơ sở Hương Sơn nói để trị bệnh thực chất là hành vi sử dụng hình thức mê tín, dị đoan trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc trường hợp bị cấm được quy định tại khoản 13, Điều 7, Luật Khám bệnh, chữa bệnh", Luật sư Đoàn Công Thiện quả quyết.
Bài và ảnh: TÂY HỒ - THANH NHÃ
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: