28/09/2024 08:01
Dịp lễ hội truyền thống kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh hàng năm có rất đông người dân tham gia và đến Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực thắp hương, chiêm bái. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 28 đến 30-9 (nhằm ngày 26 đến 28-8 âm lịch).
Theo đại diện Ban bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, hiện có rất đông người dân đến để nấu cơm, chế biến món ăn, làm vệ sinh, dựng trại võng để những người ở xa đến tham gia lễ hội có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống miễn phí.
Tại Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, nhiều người dân chuẩn bị lá chuối gói bánh tét phục vụ khách thập phương tham gia lễ hội truyền thống kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2024). Ảnh: THỦY TIÊN
Từ sáng sớm, tại khu vực xung quanh Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, rất nhiều người dân tất bật chuẩn bị nguyên liệu để nấu ăn. Mỗi người một việc, người nấu cơm, người sơ chế rau, củ để nấu những món chay phục vụ những người đến tham gia lễ hội.
Ông Phan Văn Thi, ngụ tỉnh An Giang cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng đến đây góp sức làm giỗ Cụ Nguyễn. Mỗi người được phân công nhiệm vụ khác nhau, ai có của góp của, ai có công góp công. Đây cũng là cách chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn, thành kính đối với Cụ Nguyễn, người anh hùng của dân tộc”.
Đang tất bật với việc chuẩn bị nguyên liệu chế biến món chay, bà Nguyễn Thị Hạnh, ngụ huyện Tri Tôn (An Giang) nói: “Tôi theo đoàn phục vụ cơm từ tỉnh An Giang đến đây nấu nướng phục vụ bà con. Năm nào tôi cũng tham gia nấu ăn. Tôi thấy vui vì góp sức phục vụ lễ hội chu đáo”.
Nhiều người dân Kiên Giang cũng góp sức cùng địa phương tổ chức và phục vụ lễ hội Nguyễn Trung Trực. Anh Nguyễn Hữu Tín, ngụ huyện Châu Thành tổ chức tiệc buffet chay và khám, phát thuốc miễn phí cho khách thập phương đến tham gia lễ hội. “Chúng tôi có khoảng 60 tình nguyện viên tham gia nấu hơn 50 món chay, bánh ngọt và khám bệnh miễn phí cho người dân. Công việc nấu ăn khá vất vả, nhưng các tình nguyện viên rất nhiệt tình. Những món ăn tuy đơn giản nhưng gói trọn tấm lòng, tình cảm của họ nhân ngày giỗ Cụ Nguyễn”, anh Tín nói.
Nhiều tình nguyện viên tham gia khuân vác các vật phẩm được người dân đóng góp phục vụ lễ hội truyền thống kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2024). Ảnh: THỦY TIÊN
Anh Bùi Thiện An, ngụ phường An Hòa (TP. Rạch Giá) đi làm ở TP. Hồ Chí Minh. Dịp lễ hội, anh về TP. Rạch Giá phụ giúp chị quản lý khu nhà trọ trên đường Nguyễn Huỳnh Đức, phường Vĩnh Thanh (TP. Rạch Giá). Chị của anh An có 8 phòng trọ, cho những người thiện nguyện ở miễn phí, chỉ trả tiền điện, nước. Để chung tay phục vụ người dân, anh An vận động bạn bè hỗ trợ trại bánh xèo Hữu Duyên 20 bình nước lọc/ngày và một số thực phẩm. “Tôi chỉ muốn góp chút lòng phục vụ lễ hội được chu đáo hơn”, anh An nói.
Tuổi đã cao nhưng bà Huỳnh Thị Tuyết (71 tuổi), ngụ đường Mạc Cửu, phường Vĩnh Thanh (TP. Rạch Giá) vẫn mong muốn được chung tay, góp sức phục vụ lễ hội. Từ số tiền dành dụm được, bà Tuyết góp cho các đoàn thiện nguyện nấu cơm, làm bánh xèo, phục vụ nước uống cho người dân. “Tôi không có nhiều tiền nên đóng góp mỗi nơi một ít cho những người thiện nguyện mua rau, củ, nước uống phục vụ người dân”, bà Tuyết cho biết.
Cũng như bà Tuyết, bà Lê Thị Nhành (75 tuổi), cùng ngụ đường Mạc Cửu cũng mang tiền dành dụm để đóng góp cùng chuẩn bị thức ăn, nước uống phục vụ khách thập phương. “Của ít lòng nhiều, tôi góp chút ít với mong muốn người dân tham gia lễ hội, thắp hương và chiêm bái Cụ Nguyễn được dùng cơm, bánh, nước đầy đủ hơn”, bà Nhành nói.
Người dân tham gia nấu ăn phục vụ lễ hội. Ảnh: VIỆT THU
Bánh xèo chay được nhiều người dân, du khách xem là đặc sản dịp lễ hội Nguyễn Trung Trực. Nhiều năm qua, ông Dương Văn Dứt, ngụ xã Phụng Hiệp, huyện Phú Tân (An Giang) đến khu vực gần Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực dựng trại tổ chức đổ bánh xèo phục vụ người dân, du khách. Lễ hội năm nay, vợ chồng ông Dứt cùng hai con và khoảng 60 người thiện nguyện ở An Giang chung tay dựng trại bánh xèo Hữu Duyên làm bánh phục vụ khách thập phương từ trưa ngày 26 đến sáng 30-9 (nhằm ngày 24 đến 28-8 âm lịch).
Để tổ chức chu đáo, ông Dứt và một số cá nhân thiện nguyện đến TP. Rạch Giá từ ngày 23-9 (nhằm ngày 21-8 âm lịch) để dựng trại, thuê bàn ghế, sắp xếp dụng cụ và vận động, tiếp nhận thực phẩm do nhà hảo tâm đóng góp. Ông Dứt tự nhủ bản thân phải làm thật tốt vì tấm lòng tôn kính vị anh hùng dân tộc cũng như xứng đáng với lòng tin của những nhà hảo tâm góp công, góp của cùng ông với mong muốn tổ chức lễ hội thành công.
“Người đến ăn bánh xèo và khen ngon, chúng tôi vui lắm. Chúng tôi không ngại vất vả, cố gắng hết sức để tiếp đãi bà con thật chu đáo. Tôi bố trí 25 bàn, với 250 ghế để bà con nghỉ ngơi, ăn bánh, uống nước. Có bàn, ghế, người dân ngồi đợi ăn bánh xèo cũng đỡ vất vả hơn”, ông Dứt nói.
Có thể nói, lễ hội Nguyễn Trung Trực là lễ hội của lòng dân. Ngoài tấm lòng biết ơn sâu sắc vị anh hùng của dân tộc, đây còn là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân. Qua đó, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
THỦY TIÊN - BÍCH TUYỀN
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: