17/09/2020 16:34
CHĂM LO TOÀN DIỆN
Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, thị trấn, yêu cầu các xã, thị trấn có kế hoạch, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện; phân bổ kịp thời nguồn vốn cho các xã, thị trấn để thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế kịp thời cho hộ nghèo.
Bên cạnh đó, huyện thực hiện hiệu quả nhiều dự án, chính sách giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội tốt hơn như Nghị quyết số 30/A/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, chương trình 135; hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo; hỗ trợ giải quyết việc làm; hỗ trợ tiếp cận y tế; hỗ trợ về giáo dục, nhà ở, điện, nước sinh hoạt…
Ông Nguyễn Văn Hai, ngụ khu phố Thành Công, thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư nuôi cá lóc để vươn lên thoát nghèo.
Qua đó, nhiều hộ nghèo thay đổi cách nghĩ, cách làm, chủ động lao động, sản xuất, chăn nuôi, không trông chờ, ỷ lại vào chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Văn Hai, ngụ khu phố Thành Công, thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất cho biết: “Với sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, tôi được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư nuôi cá lóc đầu nhím.
Với vốn vay này, tôi mua vỏ lãi, lưới kéo để đánh bắt cá tạp về làm thức ăn cho cá lóc, tiết kiệm chi phí đầu tư mua thức ăn. Lợi nhuận từ nuôi cá lóc giúp gia đình tôi thoát nghèo, cuộc sống khá giả hơn, có tiền để cất nhà kiên cố, khang trang hơn”.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Nguyễn Thị Hòa, ngụ khu phố Mỹ Phú, thị trấn Sóc Sơn mở tiệm tạp hóa nhỏ, thời gian rảnh, chị nhận hàng về gia công đan lưới cho tổ hợp tác. Bên cạnh nguồn thu từ bán tạp hóa, chị có thêm thu nhập từ đan lưới, giảm gánh nặng mưu sinh cho chồng, có tiền cho các con ăn học.
Theo đồng chí Vũ Việt Hoài - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hòn Đất, để giảm nghèo bền vững, từ năm 2016-2020, huyện tập trung nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế theo phương châm trao cần câu thay vì trao con cá. Hộ nghèo được tạo điều kiện học nghề, tiếp thu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, vay vốn sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, có đời sống ổn định. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 4,16%.
QUYẾT TÂM KHÔNG ĐỂ TÁI NGHÈO
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thời gian tới, công tác giảm nghèo của huyện gặp nhiều khó khăn do đa số hộ nghèo không có ruộng đất, nghề nghiệp không ổn định. Số hộ nghèo được tiếp cận vốn, học nghề, các chương trình dự án còn ít.
Nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do Trung ương phân bổ chưa đáp ứng nhu cầu, định mức hỗ trợ còn thấp trong khi nguồn lực của ngân sách địa phương hạn chế, một số chính sách giảm nghèo mang tính hỗ trợ, trong khi chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, nguy cơ tái nghèo cao.
Đồng chí Vũ Việt Hoài cho biết, thời gian tới, Trung ương điều chỉnh các chỉ tiêu bình xét hộ nghèo theo chuẩn mới, dự kiến số lượng hộ nghèo trên địa bàn huyện tăng hơn trước. Do đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2025 phù hợp tình hình thực tế.
Hòn Đất sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo nhằm từng bước cải thiện, nâng cao mức sống của người nghèo, nhất là ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên lồng ghép các dự án, chương trình nguồn vốn cho các xã bãi ngang ven biển.
Tiếp tục phân công tổ chức, đoàn thể, cán bộ, đoàn viên, hội viên phụ trách kèm cặp giúp đỡ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn quản lý. Song song đó thực hiện tốt chính sách cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục được thụ hưởng một số năm về các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo như tín dụng, bảo hiểm y tế, giáo dục, dạy nghề...
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Những năm qua, đời sống đồng bào Chăm tại huyện An Biên (Kiên Giang) thay đổi tích cực. Người dân phát huy tinh thần đoàn kết và hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế gia đình. Đồng bào Chăm đã nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện đời sống, giảm nghèo và góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Tổng số lượt truy cập: