31/08/2020 19:05
Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước không vì mục đích lợi nhuận. Mọi tính toán cho tỷ lệ đóng, mức đóng và thời gian đóng nhằm mục đích bảo vệ người lao động, hướng đến xã hội an sinh để người già có khoản thu nhập ổn định, có cuộc sống tự chủ, hạnh phúc.
Người lao động nên xem sổ Bảo hiểm xã hội là một tài sản, là khoản để dành cho tương lai, cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có cơ hội hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, không ít người lao động thất nghiệp lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có khoản tiền trang trải cuộc sống, giải quyết khó khăn trước mắt trong thời gian tìm việc làm. Tuy nhiên, khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, quyền lợi của người lao động bị hạn chế hơn so khi hưởng lương hưu.
Người nhận bảo hiểm xã hội một lần, sau này tham gia lại bảo hiểm xã hội sẽ không được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà tính thành thời gian đóng bảo hiểm xã hội mới. Như vậy, người lao động sẽ mất cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động, hoặc khi nghỉ hưu dù đủ thời gian hưởng lương hưu nhưng do thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít nên tiền lương hưu thấp.
Viên chức Bảo hiểm xã hội tỉnh thông tin quyền lợi hưởng lương hưu khi tham gia bảo hiểm xã hội đến người lao động.
Với 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, một năm tổng mức đóng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Người lao động duy trì đóng bảo hiểm xã hội sẽ hưởng nhiều quyền lợi tối ưu về sau. Ngoài khoản lương hưu được thụ hưởng hàng tháng khi hết tuổi lao động, người lao động được quỹ bảo hiểm xã hội trả kinh phí để cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Khi người hưởng lương hưu không may qua đời, người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu chết và thân nhân hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.
Khoản tiền đóng quỹ bảo hiểm xã hội là “tài sản để dành” quý giá của người tham gia bảo hiểm xã hội, nó không mất đi mà được cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý và đầu tư tăng trưởng. Người tham gia bảo hiểm xã hội có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước. Trong thời gian bảo lưu, nếu không may qua đời, gia đình sẽ được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân hưởng trợ cấp tuất theo quy định.
Người tham gia bảo hiểm xã hội khi đã hưởng lương hưu, mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế giúp người lao động có điều kiện an hưởng tuổi già, không phải phụ thuộc con cháu và trở thành gánh nặng của xã hội.
Theo đồng chí Trương Hữu Cường - Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh, trong thời gian tình hình dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng đến đời sống người lao động như hiện nay, nếu không may thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, chế độ hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ, không nên vì khó khăn trước mắt mà quyết định nhận bảo hiểm xã hội một lần. Qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi trở lại, người lao động có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng bảo hiểm xã hội để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được xem là “phao cứu sinh” của người lao động trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, giúp đảm bảo một phần đời sống của một bộ phận người lao động thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
Quyền lợi người lao động được hưởng với chế độ bảo hiểm thất nghiệp gồm: Hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng; hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi không may ốm đau; được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Chiều 23-11, tại Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, lớp K6 Trường Tuyên huấn Trung ương II họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày ra trường (24/11/1984 - 24/11/2024).
Tổng số lượt truy cập: